Nói với con về giới tính: Phải làm sao?

Nhiều cha mẹ băn khoăn nên trao đổi, dẫn dắt câu chuyện về giới tính, sức khỏe sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục... ra sao để không ngượng ngùng. Xin giới thiệu những tình huống xảy ra trong thực tế mà BS Đặng Phi Yến, Trưởng phòng Truyền thông-Giáo dục sức khỏe Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM và BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, đã giải đáp.

Phải phù hợp từng độ tuổi

Con gái ông Hùng 10 tuổi, đang học lớp 5. Con gái bà Mai 17 tuổi, học lớp 11. Ông Hùng và bà Mai thắc mắc nên trao đổi với con những vấn đề gì cho phù hợp độ tuổi.

BS Đặng Phi Yến: Cha mẹ tiếp cận và trao đổi giới tính, sức khỏe sinh sản với con càng sớm càng tốt, có thể ngay từ bậc tiểu học. Bởi càng lớn con cái càng xa cha mẹ, khả năng gần gũi, trò chuyện với con càng khó.

Từ sáu đến 10 tuổi, cha mẹ giúp con hiểu được quyền không bị xâm hại thân thể. Biết cách đề phòng (không ở nơi vắng vẻ) và thoát khỏi nguy hiểm trong những tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục (la lớn, dọa méc cha mẹ). Giúp con biết cách giữ gìn vệ sinh những bộ phận kín trên cơ thể. Từ 11 đến 18 tuổi, cha mẹ giúp con nắm được cách thức ứng xử giữa bạn trai và bạn gái. Duy trì tình bạn khác giới trong sáng, biết xấu hổ khi quan hệ giới tính không trong sáng. Giúp con biết cách phòng tránh bị lạm dụng tình dục, biết khắc phục những ham muốn tình dục sớm. Giúp con nhận thức hậu quả khi quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành (có thai ngoài ý muốn, phá thai, hậu quả phá thai, các bệnh lây qua đường tình dục…).

Nói với con về giới tính: Phải làm sao? ảnh 1

Cha mẹ nên tiếp cận và trao đổi giới tính với con càng sớm càng tốt. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: HTD

Biết chớp thời cơ

Bà Hồng thắc mắc con cái ở độ tuổi nào mới bắt đầu trao đổi giới tính. Tự nhiên mở miệng nói chuyện trai gái, sức khỏe sinh sản, bệnh lây qua đường tình dục... với con cái thì kỳ quá, ngại miệng chết.

BS Nguyễn Ngọc Thông: Để không ngượng ngùng khi trao đổi với con về giới tính, các bệnh lây qua đường tình dục…, bà Hồng cần chớp cơ hội thuận tiện. Chẳng hạn khi cùng xem bộ phim, đọc quyển sách nội dung liên quan giới tính, sinh sản vị thành niên…, bà Hồng có thể phân tích hành vi của nhân vật rồi giải thích, trao đổi với con; cũng không nên phê phán hành vi không đúng của nhân vật trong truyện, trong phim mà hãy cùng con trao đổi để đi đến nhận định chung.

Nếu con tình cờ nhắc đến bạn trai, bạn gái thì nhân cơ hội này cha mẹ hãy hỏi kỹ về bạn trai, bạn gái của con (tuổi, học hành, gia đình...) rồi tiện thể “bóng gió” về chuyện giới tính. Trong tình huống này, cha mẹ và con cái sẽ cởi mở, thoải mái tâm sự, trò chuyện.

Con trai mới 18 tuổi đã có bồ, ông Thành lo liệu con “này nọ” với bạn gái, dẫn tới chuyện không hay. Ông Thành muốn khuyên con đừng quan hệ tình dục quá sớm nhưng không biết nói sao để con đừng tổn thương.

BS Nguyễn Ngọc Thông: Trong bữa cơm, ông Thành có thể nói chuyện với vợ: “Dạo này báo chí nói nhiều về quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên, dẫn đến bệnh này bệnh nọ hoặc mang thai ngoài ý muốn, làm khổ mẹ cha”. Tiếp theo, ông Thành hỏi con trai: “Những điều cha vừa nói với mẹ, con có biết không?”. Tiếp theo, ông Thành và vợ gợi ý để cùng con trai bàn luận những vấn đề liên quan đến giới tính và hy vọng con không làm chuyện thiếu suy nghĩ, tổn thương đến bạn gái.

Con ngại mở miệng, mẹ khó mở lời

Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai vì sự thiếu hiểu biết mà không được sự tư vấn, chăm sóc từ chính người thân.

H. (17 tuổi, ở TP.HCM), hiện là học sinh lớp 11, tâm sự: “Ngay từ lớp 7, em phát hiện tâm sinh lý nhiều thay đổi nhưng không dám nói với cha mẹ. Càng lớn càng có nhiều thay đổi bất thường khiến em lo lắng. Do ngại hỏi cha mẹ nên em lên mạng tìm hiểu và khám phá bản thân”. Chuyện gì đến ắt phải đến, H. quan hệ tình dục với một thanh niên quen trên mạng và đã mang thai. “Anh ta nói em đã thành người lớn thì phải biết “làm chuyện” người lớn. Anh ta còn nói chỉ “quan hệ” bên ngoài nên không thể mang thai, không cần dùng thuốc hoặc bao cao su. Quan hệ lần một rồi lần hai, cuối cùng em có thai được năm tuần tuổi” - H. sụt sùi.

Trong lần đưa con gái 16 tuổi đi khám thai, bà M. (TP.HCM) buồn rầu: “Từng tuổi này nên tôi biết con gái sẽ có nhiều thay đổi ở tuổi dậy thì. Tôi muốn nói với con về giới tính, tình dục, sức khỏe sinh sản… nhưng lại ngại”. Và M. tự tìm hiểu qua bạn bè, qua sách báo, Internet mà chừa bà ra. “Con tôi quen và cảm tình một thanh niên độ 25 tuổi. Nó hay đến phòng trọ anh ta chơi, nói chuyện yêu đương. Anh ta nói khi yêu hai người phải “cho” nhau, không nên dùng bao cao su. Con tôi “cho” khoảng năm lần rồi có thai. Bác sĩ cho biết thai nhi được sáu tuần tuổi. Giờ tôi không biết tính sao” - bà M. thở dài.

Nghiên cứu mới nhất về tỉ lệ tuổi vị thành niên có thai và các yếu tố nguy cơ do BV Từ Dũ, BV Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM thực hiện cho thấy 104/150 (hơn 69%) em trong độ tuổi vị thành niên (13-18 tuổi) ngần ngại trao đổi giới tính với cha mẹ.

Nghiên cứu cũng cho thấy quan hệ tình dục lần đầu lúc 13 tuổi có nguy cơ mang thai gấp 5,3 lần so với quan hệ tình dục lần đầu lúc 17-18 tuổi. Tuy nhiên, nếu vị thành niên tâm sự thường xuyên với cha mẹ về giới tính thì nguy cơ có thai ngoài ý muốn giảm ba lần, tâm sự không thường xuyên cũng giảm hai lần.

TRẦN NGỌC thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm