Nỗi niềm có chồng nghĩa hiệp

Nhờ chồng tan làm sớm thì đến đón để còn về ăn giỗ nhưng Hương đợi gần tiếng đồng hồ, với cả chục cuộc điện thoại vẫn không thấy bóng chồng đâu. Đang sốt ruột lo lắng thì Hương thấy chồng tới, mặt mũi hớn hở: ‘Anh thấy có một cô bị ngã xe, trẹo chân nên đưa người ta tới bệnh viện’.
 

Nỗi niềm có chồng nghĩa hiệp ảnh 1
Sau đó, chồng Hương còn giải thích: “Điện thoại anh để trong cốp nên không biết em gọi. Với cả do tắc đường nên mới mất nhiều thời gian thế”. Hương chán chồng tới mức bực mình, không thèm nói vì có nói cũng chẳng ăn thua. Hương bảo, hồi còn yêu thấy bạn trai khi ấy nghĩa hiệp thì cũng vui lắm. Phụ nữ nào chẳng thích đàn ông biết giúp đỡ mọi người, tốt bụng, sẵn sàng “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Tuy nhiên, khi lấy làm chồng rồi nhiều khi Hương ước: “Giá chồng mình thấy đánh nhau thì chạy, thấy cướp thì chuồn lẹ” lại hay. Là vợ, Hương chẳng muốn chồng mình “anh hùng” rồi vướng vào những rắc rối ngoài xã hội, chẳng may tai bay vạ gió rồi chồng Hương bị đánh, bị thương hay bị lừa đảo, cướp giật, người khác lợi dụng... Những chuyện này, ngày nào Hương chẳng thấy trên báo chí, tivi. Chồng càng hay giúp người thì Hương lại càng lo sợ, bất an về chồng. Khá nhiều lần, Hương nhẹ nhàng bảo: “Thôi, anh kệ người ta, có ảnh hưởng gì tới mình đâu. Xã hội giờ phức tạp lắm. Mấy chuyện đó đã có công an, cảnh sát họ lo” nhưng chồng Hương lại “nhân thể” lên mặt “giảng” cho vợ một bài dài về làm người trong xã hội... rồi bảo: “Anh có làm gì sai đâu mà em cản” khiến Hương đuối lý. Có lần hai vợ chồng Hương đang đèo nhau về ông bà ngoại thì có một đám đánh nhau. Chồng Hương vội dừng xe, lao vào can, chẳng may bị đánh chảy cả máu đầu khiến Hương hoảng hốt. Thế mà sau lần ấy chồng Hương vẫn chưa “chừa”, vẫn thích giúp đỡ mọi người, dù biết ít “võ vẽ” nhưng cũng chẳng ăn thua vì làm việc văn phòng. “Biết là chồng làm nhiều việc đáng khen nhưng mình không muốn chồng mình bị làm sao cả. Mình chẳng cần chồng mình là anh hùng cho xã hội, chỉ cần chồng luôn bình an, khỏe mạnh, yêu thương vợ con thôi” – Hương chia sẻ. Cũng chán vì chồng quá tốt, hay ra tay khi thấy có chuyện bất bình là Diễm (Từ Liêm, Hà Nội). Có lần sinh nhật Diễm, hai vợ chồng hẹn là tối về ra ngoài hàng ăn cơm nhưng Diễm phải chờ tới hơn 8h, chồng mới về, hớn hở kể: “Anh đuổi theo một thằng cướp, bắt nó về đồn cùng với mấy anh công an. Rồi còn ngồi nói chuyện với mấy anh đó nữa nên hơi lâu”. Ngoài ra, chồng Diễm cũng hay thích giúp những người bán hàng dạo, ăn xin trên phố cho dù Diễm hay càu nhàu: “Biết đâu họ lừa đảo”. Một lần, hai vợ chồng Diễm đèo nhau đi có việc trên đường một chiều thì nhìn thấy một bà cụ bán báo ngồi co ro trên vỉa hè trong mưa ở chiều đường ngược lại, thế là chồng Diễm nhanh nhảu vòng xe sang làn đường bên kia chỉ để mua cho cụ tờ báo thể thao mà không lấy lại tiền thừa. “Nếu chồng mình là công an, bắt cướp được trả lương hay là doanh nhân thành đạt, giúp người nghèo được ghi danh thì chẳng nói. Đành này chồng mình làm những việc tốt quá khiến mình thấy chán” – Diễm nói. Diễm không cản chồng mình thỉnh thoảng làm việc thiện hay giúp đỡ người khác mà không nguy hiểm tới bản thân nhưng chồng Diễm nhiều khi hào phóng, cho cụ này, ông khác cả 200 nghìn đồng rồi về khoe với vợ, khiến Diễm tiếc tiền. Chưa kể, chuyện đuổi cướp, bắt cướp của chồng còn nguy hiểm tới tính mạng thì người làm vợ như Diễm làm sao yên tâm. “Mình đã bảo không biết bao lần là việc gì giúp được thì anh giúp, cái gì nguy hiểm thì đừng làm. Mình phải lo cho bản thân mình trước. Còn chuyện giúp đỡ người nghèo thì cũng có chừng mực thôi vì mình đâu có giàu nhưng chẳng thấy chồng thay đổi mấy” – Diễm kể. Nỗi niềm có chồng nghĩa hiệpLo lắng, bất an... là tâm lý chung của người vợ khi thấy chồng hay gúp đỡ người ngoài xã hội. Từ đó, người vợ có thể muốn ngăn cản chồng đừng “quá tốt” nữa kẻo bị vạ lây và thấy chán vì chồng cứ lo những chuyện đâu đâu. Có thể xảy ra luồng mâu thuẫn trong người vợ: biết chồng mình làm nhiều việc có ích, đáng khen đấy nhưng lại thấy không vui, không đáng hoan nghênh nên muốn chồng bớt tốt đi. Đây là tâm lý hoàn toàn bình thường vì là vợ thì ai cũng sợ những điều bất trắc xảy tới với chồng mình, nhất là khi ngoài xã hội có rất nhiều chuyện phức tạp. Tuy nhiên, nếu chỉ suy nghĩ một chiều như thế thì người vợ sẽ dễ mệt mỏi, luôn sống trong lo sợ. Bởi thế tốt nhất vợ chồng nên thường xuyên chia sẻ với nhau để người vợ góp ý giúp chồng làm sao “nghĩa hiệp” đúng cách, tức là giúp đỡ người khác nhưng đồng thời phải biết bảo vệ chính mình hoặc biết kêu gọi sự trợ giúp của những người xung quanh... Hay vợ chồng cùng thống nhất xem sẽ giúp đỡ người khác như thế nào cho phù hợp với khả năng kinh tế của mình. Như thế, người vợ sẽ tránh được những chuyện bực mình vì tính cách này của chồng.
Theo Ngọc Bình  (Mẹ&Bé)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm