Nhạc sĩ Phú Quang: cãi mệnh trời không khó

Nhạc sĩ Phú Quang: cãi mệnh trời không khó ảnh 1

Hồi phục kỳ diệu sau tai biến

Chính tác giả của Uống rượu với Tản Đà đã gửi gắm chàng nhạc sĩ ốm yếu cho một vị thầy thuốc đặc biệt là võ sư phái Vịnh Xuân. Rồi võ sư đã giúp Phú Quang tìm lại sức khoẻ bằng một phương pháp nghe qua rất đơn giản: bấm huyệt và tập thở.

Gặp Phú Quang trong căn nhà mới của ông, nằm ở một ngôi làng cổ gần sông Hồng. Nhà có cây xanh, có hồ cá nhỏ, không khí thoáng đãng và rất đỗi yên bình. Nhìn sắc diện hồng hào và những cử chỉ linh hoạt của Phú Quang, thật khó tin, mấy chục năm nay ông vẫn sống chung với đủ thứ trọng bệnh, và vài tháng trước, còn phải đặt stent do bị tắc một động mạch chủ, rồi ngay sau đó, bị tai biến rất nặng khi đang chuẩn bị cho liveshow Biển nỗi nhớ và em.

Nhạc sĩ kể lại, hôm ấy, sau giấc ngủ trưa, ông thấy bàn tay cứng đơ, không cầm nổi điện thoại. Vội vào bệnh viện Tâm Đức TP.HCM khám, ông được chuyển ngay lên bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng khá nặng. Đến 10 giờ tối thì một cánh tay bị liệt hoàn toàn. Phú Quang phải trải qua một đêm “thập tử nhất sinh” đúng nghĩa: lên sáu cơn động kinh, mồm méo xệch và sùi bọt mép, không nói được nữa. Nhưng, thật kỳ lạ, đúng 10 giờ sáng hôm sau, tất cả các triệu chứng đáng sợ biến mất. Trực tiếp điều trị cho ông tại khoa hồi sức cấp cứu, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Hồng Trường quá ngạc nhiên, bèn kêu nhạc sĩ thử bắt tay. Thấy Phú Quang bắt tay rất chặt, các bác sĩ mới yên tâm là bệnh nhân đã vượt qua nguy hiểm. Di chứng của cơn đột quỵ chỉ còn là viền máu đọng trong não, tự tiêu dần theo thời gian.

Khi Phú Quang ngã bệnh, không ít người đã tưởng liveshow phải dời lại, nhưng nhạc sĩ yêu cầu êkíp thực hiện cứ tiếp tục chương trình như kế hoạch. Hỏi ông “Sao lại liều với sức khoẻ của mình như vậy?”, Phú Quang bảo: “Vì tôi tin là mình sẽ qua khỏi”. Hoá ra, từ nhiều năm nay, nhạc sĩ vẫn kiên trì tập yoga, tập thở, và sau này, tập các động tác của phương pháp “suối nguồn tươi trẻ”… Chính những liệu pháp dưỡng sinh này đã đem đến cho ông tinh thần lạc quan và sức đề kháng dồi dào, để không ít lần tự mình vượt qua “án tử” một cách kỳ diệu.

Khoẻ nhờ… dưỡng sinh

Ít ai ngờ, thời “bẻ gãy sừng trâu” nhạc sĩ đã mắc đủ thứ bệnh: gai đôi, vôi hoá đốt sống lưng, đau thần kinh toạ, viêm loét đại tràng, huyết áp luôn cao ở mức báo động đỏ... nên có bác sĩ chẩn đoán, nhạc sĩ giỏi lắm chỉ thọ đến… 30 tuổi. Thực tình thì Phú Quang cũng nghĩ mình sẽ… chết sớm, nếu không có cái duyên quen biết nhà văn Trương Tửu. Chính tác giả của Uống rượu với Tản Đà đã gửi gắm chàng nhạc sĩ ốm yếu cho một vị thầy thuốc đặc biệt là võ sư phái Vịnh Xuân. Rồi võ sư đã giúp Phú Quang tìm lại sức khoẻ bằng một phương pháp nghe qua rất đơn giản: bấm huyệt và tập thở. Không ngờ, chỉ sau vài tháng, những bài tập thở trong yoga đã đưa huyết áp của ông về mức an toàn. Những căn bệnh khác cũng thuyên giảm thấy rõ. Và quan trọng hơn, từ đó, nhạc sĩ trở nên lạc quan, luôn giữ được tinh thần vững vàng những lúc đối mặt với khó khăn. Vào tuổi 50, ông mắc thêm một căn bệnh hiểm nghèo. Ba khối u, hai khối lớn ngang ngửa quả trứng ngỗng, một khối to bằng quả trứng vịt mọc trên cổ, mà lại ở những vị trí khó can thiệp bằng phẫu thuật. Khi ấy, có những bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư, phải mổ ngay và xạ trị, may ra còn kịp. Nhưng nhạc sĩ chần chừ vì nghĩ: “Ung thư giai đoạn này rồi, đụng dao kéo khéo bệnh còn nặng hơn”. Đã tuyệt vọng và tính buông xuôi. Nhưng rồi, ông dần gượng dậy, và bắt đầu rèn luyện năm thức tập “suối nguồn tươi trẻ” theo hướng dẫn của một người thầy cao tuổi. Cứ thế, trong vòng một năm, cả ba khối u từ từ biến mất trước sự ngạc nhiên của các bác sĩ.

Đã ngoài lục tuần, Phú Quang vẫn giữ được nhịp làm việc năng động không mấy khác thời trai trẻ, và đặc biệt, năm nào cũng thực hiện liveshow. Cho dù ai đó có ác miệng bảo ông “ham kiếm tiền”, nhạc sĩ cũng chỉ cười xoà, bởi lâu nay ông vẫn rèn cho mình một tâm thế bình thản trong mọi tình huống và không làm gì thái quá, nhất là, không kiêng khem quá mức. Nhớ lại, ngày mới bị tiểu đường, sụt một lúc 13kg, nôn nóng muốn chữa bệnh, nhạc sĩ kiêng đường tuyệt đối. Hậu quả là… gần như mất trí nhớ. Từ đó, ông dùng đường trở lại ở mức độ cho phép, cộng thêm với sáng nào cũng dành ít nhất 20 phút để tập thể dục. Và, gần 20 năm nay, người ta thấy nhạc sĩ vẫn chung sống ổn thoả với bệnh tiểu đường cũng như kha khá những căn bệnh trầm kha khác.

BSCK2 Phạm Hồng Trường, trưởng khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Chợ Rẫy:

Lạc quan là liều thuốc tốt nhất

Cuối tháng 3.2011, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận trường hợp của nhạc sĩ Phú Quang. Bệnh nhân bị nhức đầu, và bất ngờ gục xuống trong khi đang làm việc. Chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não. Trước đó, bệnh nhân đã mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, và bệnh lý mạch vành. Chính các bệnh trên gây nên biến chứng, khiến bệnh nhân lúc bị mê sảng, lúc bị co giật. Cộng thêm áp lực công việc quá sức đã cùng các căn bệnh trên gây xơ vữa động mạch, dẫn đến tai biến, xuất huyết não.

Ngay sau khi chẩn đoán, chúng tôi đã phối hợp các khoa thần kinh và nội tiết để điều trị cho nhạc sĩ Phú Quang. Ban đầu, êkíp điều trị rất đắn đo bởi nếu diễn tiến nặng, não bệnh nhân có nguy cơ phù tăng theo cấp độ thì buộc phải phẫu thuật. Tuy nhiên sau đó, tình trạng không diễn tiến nặng, nên bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc. Nhạc sĩ Phú Quang đã phục hồi sau một tháng nhập viện, đến 80 – 90%. Đến nay thì gần như hoàn toàn bình phục.

Bệnh viện cũng đã và đang tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai biến do bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hoặc có thể do áp lực công việc, cuộc sống. Chính vì vậy, ngay khi sức khoẻ còn tốt, chúng ta cũng không nên chủ quan. Một chế độ sinh hoạt đều đặn, tiết chế ăn uống phù hợp, luyện tập thể dục thể thao đều đặn, tránh các áp lực tâm lý… sẽ tránh được vô số bệnh tật. Nếu bạo bệnh xảy ra, tinh thần lạc quan chính là liều thuốc tốt nhất giúp bệnh nhân nhanh chóng vượt qua.

Nguyên Cao (ghi)

Theo Hương Lan (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm