Nếp mới ở chung cư: Hợp tác cộng sinh

TP.HCM ngày càng có nhiều chung cư tụ tập cư dân từ khắp mọi miền đất nước. Ở một số nơi, cư dân đã tận dụng các mối quan hệ với quê hương bản quán, đưa đặc sản địa phương đến từng căn hộ hoặc hợp tác trồng rau sạch. Cách làm này không chỉ tăng tiện ích, chất lượng đời sống mà còn tạo ra mối quan hệ cộng đồng thân thiện, xóa nhòa sự cô lập ngăn cách trong đời sống khép kín của đô thị.

Đa dạng đặc sản vùng miền

Ở chung cư Gia Phú, khu phố 7, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, người dân luôn được ăn cá biển tươi. Cứ mỗi tối thứ Bảy, chị Hoa (làm việc ở một công ty luật) gắn miếng giấy nhỏ trước cửa mỗi căn hộ “Nhà mình ở 6.16A, sáng Chủ nhật có cá biển tươi Nha Trang, mời mọi người mua ủng hộ”. Gia đình ở ngay tại bến cá Nha Trang nên mỗi thứ Bảy, chị nhờ người thân ra bến lựa cá tươi mới cập vào bờ để đóng thùng ủ đá chuyển đi, sáng hôm sau là chung cư đã có cá tươi. Có con cá to như hố, bống mú, thu, bè, nhồng,… vẫn còn mồi câu trong miệng. Việc phân chia cá rất nhanh, chỉ từ 9 giờ đến khoảng 11 giờ là hết sạch. Vài tháng một lần, chị bận việc không có cá, mọi người tiếc nhớ mùi cá biển tươi.

Cũng tại đây, có cô Kiểm nhà 1.12A cung cấp hải sản Phan Thiết. Vẫn với phương thức nhờ người thân chọn hải sản đóng thùng đá vận chuyển đến nơi, nhà cô Kiểm thường có mực trứng, cá liệt, cá nục, cá thu nhỏ, hồng. Chị Mai, một hộ dân trong chung cư, phấn khởi nói: “Tui cũng quê miền Trung. Mấy năm trước ở Nhà Bè thèm cá biển quá chừng mà không có cá tươi nên suốt ngày ăn cá đồng. Lên chung cư này hơn một năm nay, tui rất ít khi phải đi chợ vì đã có nguồn cung tươi sống tại chỗ”.

Nếp mới ở chung cư: Hợp tác cộng sinh ảnh 1

Ngoài cửa hàng hải sản, chị Lê Thị Hồng Linh còn có vườn rau sạch cung cấp miễn phí cho nhiều hộ dân trong khu chung cư K26. Ảnh: HÀN GIANG

Anh Trần Viết Dũng, nhà N04 chung cư K26 quê ở Gia Lai, ngay vùng trồng rau, hằng tuần mẹ anh đóng thùng và gửi cho đủ các loại rau củ. Ăn không hết, anh đi phân phát cho các hộ bên cạnh. Anh chia sẻ: “Rau sạch quý, mình ăn không hết thì chia sẻ cho hàng xóm. Lâu lâu họ về quê hay được người thân gửi đặc sản quê họ vào cũng mang đi chia sẻ nên suốt ngày đều có đặc sản để ăn. Đi chợ chỉ để mua những thực phẩm cốt yếu hằng ngày, còn nữa cứ mở tủ là có. Mới rồi chị Loan nhà bên cạnh quê Cà Mau cho nửa ký tôm khô cùng ít củ kiệu muối”.

Rau xanh sạch chung cư

Chuyện trồng rau ở chung cư Gia Phú cũng khá thú vị. Ban đầu, trước cổng chung cư có một khoảng đất nhỏ toàn xà bần, bê tông. Những bà ngoại, bà nội ở quê vào trông cháu thấy đất bỏ hoang phí quá nên bắt đất nở rau. Mỗi người một khoảng 5-10 m2. Họ cuốc và nhặt đá chất hết sang một bên, phần đất còn lại san bằng ra, rồi đi kiếm bèo hoa dâu về ủ và rải lên một lớp đất mỏng trồng rau. Trên những nắp cống của chung cư, người ta đặt thùng xốp để trồng rau, cả thảy có hơn 20 hộ trồng rau.

Nan giải nhất là chuyện nước tưới rau. Tất cả mọi người đều ở trên tầng cao, mang nước xuống đất tưới rất khó khăn. Ban đầu, người dân xài ké nước của nhà giữ xe. Sau đó người trồng rau đề nghị ban quản lý chung cư bắt riêng cho họ một cái đồng hồ nước. Ai trồng rau thì được cắt một chìa khóa để xài chung, đến tháng chia nhau tiền nước. Nhìn chung cư với đầy mảng xanh mướt của rau, ai đến đây cũng trầm trồ. Từ đây, rau củ ở các vùng quê cũng tề tựu về: hẹ hương, húng Hội An (hay còn gọi là é trắng), thì là, lá mơ, mồng tơi, rau đay, đậu bắp…

Anh Dũng ở chung cư K26 cũng kể: “Ở chung cư này, diện tích mỗi nhà từ 70 m2 trở lên nên không gian khá thoải mái. Nhiều gia đình trồng rau cải ngoài ban công. Ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh nên không gian thoáng đãng”. Anh dẫn chúng tôi lên lầu năm chung cư gặp chị Hồng, chị mở cửa sân thượng ra, bên trên có một vườn rau nhỏ của gia đình với một giàn thiên lý, các loại rau mồng tơi, cải mầm, môn, rau muống….

Chung cư Lý Thường Kiệt (quận 11) có ban công rộng hơn 10 m2 nên được nhiều gia đình tận dụng trồng rau. Bà Nguyễn Thị Hiển suốt sáu tháng nay tận dụng khoảng không gian trống, mua thùng xốp về trồng mồng tơi, rau dền, rau muống và làm thêm giàn mướp, đủ cung cấp cho gia đình năm người. Cạnh đó, gia đình cô Phùng Ngọc Anh, gốc người Hoa tận dụng trồng thêm cây khế ngọt ngay trên lầu ba chung cư để bạn bè, con cháu mỗi khi về có cây hái trái.

Sữa tươi, gà sạch đến tận nhà

Chung cư Thế Kỷ 21 (quận Bình Thạnh) suốt mấy năm qua được cô Hai, chủ một trang trại bò sữa ở quận 12, cung cấp sữa bò nguyên chất với giá cả phải chăng. Nếu ai có nhu cầu, chỉ cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin thì cô chú sẽ đưa tới tận nhà. Chủ yếu lấy công làm lời với giá chỉ từ 15.000 đến 25.000 đồng/lít. So với sữa bò Long Thành rẻ hơn được từ 10.000 đến 15.000 đồng. Ở chung cư Gia Phú, muốn ăn gà ta, chỉ cần gọi điện thoại nhờ một nhà dân nuôi gà ở sau chợ Gò Mây gần đó, 30 phút sau đã có một con gà làm sẵn như ý.

“Khu chung cư K26 với hơn 1.000 hộ dân đủ vùng miền nhưng sống khá tình cảm. Tôi có bà con sống tại Nha Trang, Phan Thiết nên thường được gửi cá ngon đóng từng thùng theo xe khách. Mới đầu hai vợ chồng bỏ tủ lạnh ăn không hết mang đi cho bớt. Sau này các hộ xung quanh đặt hàng và nhờ mua hộ. Cứ người nhờ ké vài ký cá nục, người gửi ký mực tươi hay tôm, bạch tuộc nên mỗi lần gọi điện thoại là người nhà phải gửi hai, ba thùng xốp mới đủ. Thấy nhu cầu của người dân trong khu chung cư cần thực phẩm sạch, đặc biệt là hải sản nên tôi mở hẳn quán Hải Sản K26 để phục vụ người dân. Ai có nhu cầu ăn trực tiếp, tôi chế biến. Ai có nhu cầu gửi mua nguyên liệu, tôi cũng phục vụ với giá cả phải chăng. Có nhà gửi mua các loại cá quý hiếm như đầu cá hồng hay cá bóp, các loại ốc đỏ, ốc móng tay. Cái nào ở Nha Trang ngon thì tôi nhờ mua chuyển vào, không thì lấy hàng từ Phan Thiết. Sống với nhau trong chung cư, nói là buôn bán nhưng chất lượng phải là hàng đầu, còn giá cả phải chăng chứ tuyệt nhiên không gian dối”.

Chị LÊ THỊ HỒNG LINH, nhà N2B chung cư K26 Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)

THANH MẬN - HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm