Giữ cái chung cần thiết

Thời gian: sống chung không có nghĩa là phải luôn bên nhau, nhưng tình trạng vợ chồng thường xuyên xa cách rất khó duy trì hạnh phúc. Ông bà ta nói: “xa thương gần thường”, nhưng phải xác định được mức độ xa hợp lý để luôn thấy thương nhớ nhau, thay vì “xa mặt cách lòng”.

Tiền bạc: vợ chồng ít nhiều phải có sự quản lý và chi phối lẫn nhau về tiền bạc, không nên “tiền ai nấy xài”. Việc ai giữ tiền không quan trọng, nhưng điều cần thiết là mỗi người đều biết (một cách cơ bản) tình hình tài chính và việc chi tiêu trong gia đình. Việc xác định “tiền chung” sẽ mặc nhiên hình thành trạng thái “của chồng công vợ” mà không có sự so bì ai kiếm nhiều tiền hơn, ai xài nhiều hơn.

Con cái: con cái dĩ nhiên đóng vai trò cầu nối cực kỳ quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Những cặp vợ chồng có con riêng thường xung đột trong việc so bì chăm sóc, chi tiêu cho “con anh, con em”. Bản thân những đứa con riêng ấy cũng dễ va chạm, dễ dẫn tới mâu thuẫn gia đình.

Tình dục: tình dục là một nhu cầu, đồng thời là một nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng. Nếu không tìm được tiếng nói chung hoặc thực hiện việc thỏa mãn nhu cầu một cách đơn lẻ (với “đối tác” khác) thì rất dễ xa nhau. Trong tình dục, cần luôn tìm cách “làm mới” để có cảm xúc và sự hứng khởi, thay vì “chịu trận” lẫn nhau.

Việc tìm tiếng nói chung trong các vấn đề tối thiểu của cuộc sống vợ chồng, là yêu cầu quan trọng để “giữ lửa” cho hôn nhân luôn nồng ấm. Hai người yêu nhau khi chung sống, sẽ có những va chạm nhất định, nhưng sẽ dần gắn bó, hình thành nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi với nhau. Lúc này, trong quan hệ vợ chồng, tình yêu không chỉ là sự đam mê, nhu cầu tìm hiểu, khám phá lẫn nhau mà còn những ràng buộc khác, như trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm với con cái, liên hệ giữa gia đình hai bên, áp lực và dư luận xã hội… Từ đó hình thành yếu tố “chung sống” chứ không đơn giản là “sống chung”. Tức là vợ chồng phải chia sẻ, đồng cam cộng khổ, chấp nhận và thỏa hiệp với nhau, thậm chí ít nhiều chịu đựng nhau. Đó là những điều kiện để nếp nhà vững bền.

Tất nhiên, đó mới là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là bản thân người vợ/chồng phải thấy rằng hạnh phúc của mình có được trên cơ sở hạnh phúc của người kia. Chẳng hạn, người chồng có thu nhập tốt, tạo ra điều kiện kinh tế của gia đình thoải mái thì người vợ mới có điều kiện chăm sóc gia đình tốt. Bản thân người vợ ít phải chịu áp lực trong cuộc sống nên dễ dàng thể hiện tình yêu đối với chồng, thậm chí còn giữ gìn được nét xuân sắc, tạo được hình ảnh đẹp và tình cảm tốt với người chồng. Hay trong vấn đề tình dục, sự hòa hợp sẽ dễ tạo ra sự gắn bó trong cuộc sống chung, từ đó dễ tìm được tiếng nói đồng điệu ở các vấn đề khác. Chỉ một bên “thất bại” hoặc “trục trặc” thì “lửa” tình yêu sẽ khó giữ…

Một điều vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng tình yêu của vợ chồng là phải biết thông cảm, hy sinh cho nhau và luôn độ lượng, bao dung với nhau. Không thể có gia đình nào hạnh phúc mà vợ hoặc chồng chỉ luôn giữ cái tôi, chỉ biết riêng mình, chỉ cho rằng mình đúng và tìm cách bới móc sai lầm của người kia.

Tóm lại, việc nuôi dưỡng tình yêu trong hôn nhân cần có sự chủ động và tích cực của hai phía.

Theo Nguyễn Hoài Thy ( PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm