"Đỏ mặt" vì làm dâu trong nhà toàn đàn ông

“Ước gì tớ không có mẹ chồng”, nhiều cô gái “nguyện cầu”. Thế nhưng không ít cô làm dâu trong nhà toàn đàn ông lại ước có mẹ chồng để làm bạn, bởi cuộc sống ở gia đình “dương cực thịnh” này nhiều thử thách và những chuyện dở khóc dở cười.

Phát hoảng khi bốn ông cởi trần cùng lúc

Khi biết người yêu sống cùng bố và các em trai, còn mẹ đã vào Nam từ khi ly dị, Hồng thở phào vì thoát nạn mẹ chồng. Sau này về làm dâu, cô càng thấy mình may vì không gặp cảnh bị săm soi, dè bỉu như nhiều chị em khác. Nhưng trong sinh hoạt thì lắm khi cô phải đỏ mặt.

Vốn chỉ có đàn ông sống với nhau nên mọi người trong nhà Hồng đã quen thói vô tư, thoải mái, chẳng ai giữ ý giữ tứ gì. Không ít lần Hồng hăm hở tiến đến toilet rồi hộc tốc chạy trở ra sau khi tận mắt chứng kiến một ông em chồng hoặc bố chồng đang thản nhiên đứng “giải quyết nỗi buồn” trong đó, cửa không thèm đóng. Đã mấy lần vợ chồng cô âu yếm nhau trong phòng riêng, chốt trong hẳn hoi, nhưng các thành viên kia không biết có chuyện gì cần trao đổi mà vừa gọi tên chồng Hồng vừa giật cửa, mấy giây sau hình như nhận thức được tình hình nên mới “à” một tiếng rồi đi xuống.

“Em sợ nhất là những ngày trời nóng. Cả bốn ông trong đó có chồng em cởi trần trùng trục, bận quần xà lỏn lượn khắp nhà, thậm chí ngồi ở ghế gác chân lên bàn trong khi ống quần đùi thì rộng. Ở nhà bố mẹ đẻ em ai cũng ăn mặc nghiêm chỉnh nên em mãi không quen được cảnh này, ngại ơi là ngại. Việc nhà cũng nhiều nên em không thể trốn trong phòng riêng được”, Hồng tâm sự. Cô đã phàn nàn, với chồng, chẳng biết anh có góp ý với bố cùng các em không, chỉ thấy sau đấy anh ăn mặc kín đáo hơn để làm gương, nhưng chẳng ai bắt chước. Được một thời gian, chồng Hồng lại cởi trần nốt cho mát.

Vừa làm “sếp” vừa làm ôsin

Lần đầu tiên ra mắt gia đình bạn trai, dù là khách, Thủy phải đi chợ rồi một mình lụi hụi nấu cơm, vì mẹ anh đã mất, còn chị cả lấy chồng xa từ lâu, nhà còn bố và người anh chưa vợ. Trong bữa ăn, các ông rót rượu rồi cụng ly ầm ầm, sau đó khề khà mấy tiếng đồng hồ, quên phắt Thủy đang cố nhịn ngáp dài chờ đến lúc được rửa bát.

Đến ngày làm dâu chính thức, bố chồng Thủy trịnh trọng tuyên bố: “Giờ con là nữ chủ nhân của gia đình này, từ bố đến thằng Thiên (chồng Thủy) và anh Hiếu đều có nghĩa vụ đóng tiền sinh hoạt cho con. Con cho ăn gì, dùng gì thì cả nhà dùng cái đấy”. Thế là từ đó, Thủy toàn quyền mọi việc trong nhà. Từ mua sắm đồ đạc đến tổ chức vui chơi giải trí, cô thu xếp như thế nào, cả nhà theo như thế, không “cãi” lại hoặc chê bai bao giờ.

Thế nhưng cũng một mình cô phải làm mọi việc phục vụ cả nhà, từ nấu nướng, chợ búa, giặt giũ đến lau dọn, đối nội đối ngoại. Nhà cửa có bề bộn, bẩn thỉu, các quý ông trong nhà vốn quen rồi nên chẳng phàn nàn gì, nhưng bản thân cô không chịu được nên lại hì hụi lau rửa. Hễ có giỗ chạp là Thủy phải bỏ việc một ngày để xoay trần với cỗ bàn. Kể từ hồi có Thủy, gia đình chồng lại tổ chức các buổi giỗ hoành tráng hơn, bố chồng, anh chồng hay mời khách về ăn cơm hơn. Thế là Thủy lại tối mắt tối mũi.

Vất vả đã đành, những hôm chồng đi vắng (mà anh đi vắng thường xuyên), cơm tối xong Thủy lại lùi lũi trong phòng một mình. Những lúc đó cô ước giá như có mẹ chồng hay em gái chồng để trò chuyện, hoặc để những ngày nhà có việc thì còn trao đổi, bàn bạc xem nấu món gì, trang trí ra sao…

Làm người phụ nữ duy nhất cũng sướng

Những nàng dâu trong gia đình toàn nam giới tuy vất vả vì họ là người phụ nữ duy nhất trong nhà, nhưng cũng có nhiều ưu thế vì sự “duy nhất” ấy. Diệp Anh, 24 tuổi, kể: “Em cảm giác như cả bố chồng lẫn mấy đứa em trai chồng đều như nể mình lắm. Em vốn tính thích nấu nướng cầu kỳ, trong khi nhà ông xã chưa bao giờ ăn uống tử tế cả, thế nên bữa cơm đầu tiên em nấu, cả nhà bị choáng, ai nấy trông cảm động lắm. Rồi em ra tay lau dọn, sắp xếp, trang trí lại nhà, mọi người cứ tròn mắt ra vì chưa bao giờ nghĩ là phải làm thế. Thấy em mới cải tiến mấy thứ, nhà đã đẹp hẳn ra, thế mà mọi người tíu tít xúm vào làm, em chỉ đạo thế nào là nghe theo răm rắp”.

Bố chồng có việc gì về họ hàng cũng hỏi ý kiến Diệp Anh. Mấy cậu em khi có chuyện với bạn gái cũng nhờ chị dâu tư vấn. Vì “có uy tín” như vậy nên mỗi khi Diệp Anh bị ốm là cả nhà cuống quýt cả lên, suốt ngày hỏi thích ăn gì để phục vụ, mặc dù rốt cuộc cũng chỉ xách cặp lồng đi mua. “Nói chung có mỗi mình đàn bà thì vất vả, nhưng cũng sướng”, cô  kết luận.

Diệp Anh khéo tay nên được “kính nể” đã đành, ngay vụng về như Diệu Trang mà vẫn “oách” như thường. “Dù mình không khéo thì cũng còn hơn các bác đàn ông. Dù sao từ hồi có mình, trong nhà cũng gọn gàng, bữa ăn có không khí hẳn”, Trang hể hả nói. Cô có tật vừa hay quên vừa hay đánh vỡ đồ dùng. Thỉnh thoảng đến bữa ăn Trang lại kêu: “Thôi chết con quên mua chanh vắt vào nước rau muống luộc rồi”, hay “Ôi, quên mua ớt”. Thế là em chồng bảo: “Không sao, không có chị thì còn chẳng rau riếc gì hết, toàn ra quán cơm bụi hoặc mì tôm không người lái”.

Cứ ít bữa là Trang lại đánh vỡ bát đĩa hay cốc chén. Hễ nghe thấy tiếng choang rồi tiếng kêu “ối trời ơi” của Trang là bố chồng lại bảo: “Không sao con ạ, vỡ để còn thay đồ mới”, còn cậu em thì bảo: “Ở nhiều nước vỡ là may đấy, người ta còn đập vỡ chén bát lấy may cơ mà”.

Hồi mới lấy chồng, hễ về nhà mẹ đẻ là Trang lại kêu ời ời vì vất vả quá. Thế nhưng giờ thì Trang lại phát biểu: “Nhà toàn đàn ông, mình hóa ra lại quan trọng nhất, vất vả một chút cũng phải thôi”.
 

Theo Giadinhnet/ ĐV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm