Để con tự lập, cha mẹ đừng làm thay

Dạy con sống tự lập là chuyên đề giáo dục do Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng hướng dẫn diễn ra sáng 26-3 tại hội trường Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Rất nhiều ông bố, bà mẹ đến tham dự chuyên đề cùng chung mong mỏi: Con tôi không tự làm được việc gì cả. Có cách nào giúp nó tự lập được không?

Sao chuyện gì con tui cũng không chịu làm?

“Cô ơi, có cách gì giúp tui với. Con tui đã 15 tuổi mà không biết làm gì để tự chăm sóc bản thân. Mỗi ngày tới giờ đi tắm là nó cứ nằm ì ra, phải kêu cả chục lần nó mới chịu đi tắm. Thậm chí ăn cơm nó cũng bỏ cơm vào miệng rồi ngồi đó dán mắt vào màn hình tivi. Phải đợi kêu nhai cơm nuốt đi nó mới chịu nhai!” - chị Phương Anh than thở.

Tiến sĩ Bích Hồng cho rằng cần hướng cho con tự giải quyết vấn đề cá nhân chứ không áp đặt con. Ví dụ thay vì bảo con đi tắm đi thì nên hỏi con tính chừng nào tắm? Đồng thời, cha mẹ cần có cách hướng cho con biết tự chịu trách nhiệm với kế hoạch mình đặt ra. Thay vì thuê ôsin để làm hết mọi việc trong nhà thì nên giới hạn những việc gì ôsin làm, việc gì con mình phải làm. Ví dụ như phòng riêng của con con phải tự dọn dẹp, quần áo con phải tự ủi… Cần cho con hiểu rằng cha mẹ không làm thay con vì không thể sống mãi với con được, rồi đây con sẽ có cuộc đời riêng của mình nên con phải tập làm chủ cuộc đời.

Để con tự lập, cha mẹ đừng làm thay ảnh 1

Tập con tự cầm bình sữa bú là một cách tập trẻ rèn luyện tính tự lập. Ảnh: HTD

Đừng bảo bọc con quá đáng

Chị Hà cho biết có lẽ chị đã sai lầm trong cách nuôi dạy người con trai đầu tiên. Chị kể: “Lúc còn nhỏ, nó tự múc cơm ăn nhưng thấy cơm rơi nhiều quá sợ dơ nhà nên tôi đút nó ăn cho rồi. Lớn lên chút, nó muốn đi học bằng xe đạp nhưng tui sợ tai nạn nên toàn lấy xe máy chở đi. Riết rồi đâm ra nó ỉ lại. Giờ có vợ rồi mà có chuyện gì cũng chạy về một mẹ ơi, hai cũng mẹ ơi…”.

Theo Tiến sĩ Bích Hồng, tính tự lập của con người được rèn từ lúc sơ sinh, tùy vào từng lứa tuổi mà có cách rèn khác nhau. Ví dụ như trẻ khoảng 7-8 tháng tuổi thì để con tự cầm bình sữa bú. Trẻ lớn chút nữa để con tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, tự chọn trang phục cho mình. Nếu không được rèn tính tự lập từ nhỏ, khi trưởng thành con người ta sẽ khó có hạnh phúc. Chẳng hạn như trường hợp một người con gái cưới chồng chưa đầy một năm thì chồng đòi chia tay vì không biết nấu ăn, suốt ngày vợ chồng chở nhau đi ăn quán. Mặc dù cô gái đó có công việc tốt, lương cao nhưng trong gia đình thì người chồng cần một người vợ biết nấu ăn.

Tiến sĩ Bích Hồng khuyên cha mẹ nên tin tưởng vào khả năng của con và khích lệ con làm, đừng bảo bọc con quá đáng. Có những học trò lớn được cha mẹ chở đi học đến hết phổ thông trung học vì sợ con ra đường không an toàn. Trong khi đó, có những học trò từ lớp 6 đã được cha mẹ cho tự đi học bằng xe đạp. Có thể có va vấp, trầy xước trên đường đi nhưng có té ngã, có va vấp mới lớn lên được. Có thể những ngày đầu phụ huynh nên âm thầm theo sau xem con mình đi xe có vững không để có cách hướng cho con, về sau thì buông dần để con tự đi.

Chân dung người thiếu tự lập

- Vô tư bày xả để người khác dọn dẹp.

- Thụ động, vụng về, không biết sắp xếp.

- Hay nhờ vả, sai khiến người khác.

- Bấn loạn khi gặp rắc rối.

- Lệ thuộc vào người khác, ỉ lại người khác.

Cha mẹ làm gì khi con bị té ngã, bị bạn bè bắt nạt…?

Thông thường khi trẻ con té ngã, cha mẹ hay đỡ con dậy ngay, rồi còn đánh vào cái vật đã làm cho con bị té để xoa dịu con. Đó là cách làm sai. Hãy khuyến khích con tự đứng dậy, đừng đổ lỗi cho vật đã làm cho con té. Khi nào con không đứng dậy được thì cha mẹ hãy lại đỡ.

Khi con bị bạn bè bắt nạt, cha mẹ thường giải quyết vấn đề ngay rằng con nên làm thế này thế nọ. Cách làm đúng là cha mẹ không vội đưa ra giải pháp ngay mà hãy hỏi con nguyên nhân vì sao bị bắt nạt để trẻ tự phân tích. Sau đó, hãy đặt bài toán cho đứa trẻ bằng cách hỏi giờ con tính sao để con tự đưa ra phương án. Trừ khi phương án của con không ổn, cha mẹ hãy gợi ý và hướng cho trẻ. Sau đó, ân cần theo dõi, hỏi han xem trẻ đã xử lý vấn đề đó như thế nào, kết quả ra làm sao. Dần dần trẻ sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề của bản thân một cách tối ưu nhất.

Tiến sĩgiáo dụcNGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

ĐÔNG YÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm