Bác sĩ cũng đau đầu khi con tự kỷ

Chị Hà là bác sĩ chuyên khoa nhi, chồng cũng là phó giám đốc một bệnh viện lớn tại TP HCM, nhưng trước căn bệnh của đứa con trai duy nhất, vợ chồng cũng đành bó tay. Mỗi lần nhìn bé Tùng đang ăn cơm bỗng dưng cười sặc sụa hay khóc thút thít, hoặc nửa đêm tỉnh dậy đập phá, rồi cào cấu khi mẹ đến bên vỗ về, chị Hà lại đau đớn nuốt nước mắt vào lòng.

"Mình chữa bệnh cho con người ta mà lại không chữa được cho con mình. Mất bao nhiêu tiền của cũng phải chịu, chỉ mong sao con trở lại như được như một đứa trẻ bình thường, biết ăn, biết nói là mừng rồi...", người mẹ nói. Chị quyết định nghỉ việc ở bệnh viện để ở nhà toàn tâm chăm sóc quý tử.

Bác sĩ cũng đau đầu khi con tự kỷ ảnh 1
Hàng triệu trẻ em mắc bệnh tự kỷ trên thế giới đang được điều trị ở các trung tâm phục hồi chức năng. Ảnh: Chinadaily
Đến nay đã gần 10 tuổi nhưng bé Tùng vẫn chưa thể tự mình mặc quần áo, ăn cơm cũng phải có người giúp. Em không thể phát âm rành rọt những từ ngữ cơ bản nên lúc muốn gì cũng chỉ ra dấu bằng tay. Mặc dù đã bớt những hành vi nóng nảy đập phá, song cậu bé lại trở nên nhạy cảm thái quá, chỉ cần một ánh mắt vô tình của ai đó nhìn mình, em cũng khóc òa bảo "họ chọc ghẹo con". Để giúp con hòa nhập với cuộc sống, ngoài những kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh trước đây, chị Hà ngày nào cũng lên mạng hoặc tìm hiểu tài liệu về phương pháp trị liệu hành vi, ăn uống khoa học. Hiện nay, hàng ngày ngoài thời gian gửi con học ở trường chuyên biệt, vợ chồng chị cũng tranh thủ chở bé đi chơi đây đó mong giúp cậu quý tử hòa nhập với cuộc sống. "Cháu tiếp thu chậm lắm, ngày nào cũng chỉ dạy một câu nói mà quên trước quên sau. Một số người bảo bệnh này không thể chữa khỏi được nhưng vì tương lai của con thì phải kiên nhẫn từng tí một. Cũng tại trước đây mình lơ là chăm sóc con...", người mẹ trầm tư tự trách mình. Cũng đau đầu vì con trai đầu lòng mắc chứng tự kỷ, đến nay đã 16 tuổi mà cứ như đứa trẻ lên 3, bác sĩ Chẩn (quê Cần Thơ) cho biết, sau nhiều cố gắng chạy chữa ở các bệnh viện trong nước không khỏi, anh định sang năm sẽ đưa con sang Mỹ điều trị. Người bố kể: "Vợ tôi suốt ngày chỉ lo buôn bán, tôi cũng bận rộn với công việc ở bệnh viện. Đến khi thấy con có những biểu hiện bất thường, thay vì khóc nó lại cười, rồi lúc đang cười lại khóc, tôi cũng đâm nghi. Đưa con đi khám mới biết chuyện... Vợ tôi cũng buồn lắm". Từ khi con đổ bệnh, cuộc sống gia đình anh Chẩn đảo lộn hoàn toàn. Anh phải bỏ việc ở bệnh viện để ở nhà chăm con. Hiện gia đình đã chuyển hẳn lên TP HCM và xin cho con học ở một trường giáo dục đặc biệt, chủ yếu để tiện đưa con đến bệnh viện chữa bệnh. Anh kể, buồn nhất là những lúc con anh không nhận ra cha mẹ mình hoặc mỗi lần xin cái gì cha mẹ chưa kịp đáp ứng là chàng trai 16 tuổi lại lăn ra khóc như một đứa trẻ. "Nhiều khi nản lắm muốn bỏ cuộc rồi, nhưng nghĩ lại thương con, mình không chạy chữa từ bây giờ thì đến khi cha mẹ già cả lấy ai chăm sóc cho nó", vị bác sĩ tâm sự. Tự kỷ được định nghĩa như sự rối loạn chức năng thần kinh bao gồm một tập hợp của nhiều rối loạn, từ không có khả năng giao tiếp đến chậm phát triển tinh thần hay các biểu hiện nhẹ như hội chứng Asperger. Triệu chứng điển hình của trẻ tự kỷ là giao tiếp kém, hành vi lặp đi lặp lại và tùy tiện, khó khăn về ngôn ngữ. Chúng có thể phát ra một số âm thanh để bày tỏ cảm xúc, nhưng không thể nói. Mặc dù đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh tự kỷ, song các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bệnh này có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Các khuyết tật bẩm sinh, môi trường nhiễm kim loại nặng hay thuốc trừ sâu, và các văcxin tiêm trong thời thơ ấu cũng có thể là thủ phạm. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Darcia Narvaez, giáo sư của trường Đại học Notre Dame ở Indiana, Mỹ, cũng cảnh báo, cách giáo dục con ở thời hiện đại cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tự kỷ ở trẻ. Chẳng hạn ngày trước cha mẹ thường tự tay chăm ẵm, vỗ về con nên trẻ cảm nhận được hơi ấm và tình yêu thương. Sự chăm sóc này có thể khiến não của trẻ phản ứng nhanh hơn ở những năm đầu trong quá trình hình thành nhân cách. Còn ngày nay ở các thành phố lớn, cha mẹ quá bận rộn với công việc mà giao toàn quyền chăm sóc con cho người giúp việc nên trẻ không nhận được sự chăm sóc tinh thần tốt. Thường người giúp việc chỉ giữ bé trong xe đẩy mà ít khi ra khỏi phòng, hoặc do phải làm nhiều việc nên bỏ bê bé khóc quá lâu, ảnh hưởng đến khả năng học hỏi của trẻ và gây sự mất cân bằng cảm xúc. Trên thế giới có hàng triệu trẻ tự kỷ đang được điều trị ở các trung tập phục hồi chức năng. Một khảo sát khác của Đại học Cambridge còn chỉ ra rằng, cha mẹ thông minh có xu hướng sinh con mắc bệnh tự kỷ cao hơn nhiều so với người bình thường. Điều này được Giáo sư Baron-Cohen, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về bệnh tự kỷ giải thích rằng những người làm việc trong nhóm ngành nghề mang tính “hệ thống hóa” thì lượng testosterone tăng cao bất thường. Nhờ vậy họ có “bộ não cực kỳ nam tính” và điều này sẽ di truyền sang con của họ. Nghiên cứu này đang được tiến hành khảo sát rộng và kết luận chính thức sẽ được công bố vào năm sau.

Mặc dù rất khó để chữa trị tự kỷ, song hầu hết các nhà nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp thay đổi hành vi, nhận thức cũng như khả năng giao tiếp của trẻ.

Bệnh này thường có hai hướng điều trị. Một là can thiệp tích cực bằng các biện pháp khoa học, tăng cường tương tác với người bình thường, cha mẹ, chuyên viên âm ngữ. Hai là trị liệu bằng thuốc, châm cứu...

Tuy nhiên trị liệu rối loạn tự kỷ là một vấn đề phức tạp với nhiều khuynh hướng khác nhau chưa có sự thống nhất. Vì thế phụ huynh cần bình tĩnh, thận trọng và tham khảo kỹ lưỡng khi lựa chọn phương pháp điều trị. Cần lưu ý nguyên tắc chữa trị không gây thêm đau khổ cho trẻ, quan tâm đến sở thích của trẻ để động viên trẻ sống độc lập.

Theo Thi Trân (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm