Áp đặt

Áp đặt ảnh 1

Hình chỉ có tính chất minh họa
Nó muốn học ngành du lịch vì được đi đây đi đó. Còn em lại bảo nó học ngân hàng - ngành em đang làm, vì: “Mẹ đã chuẩn bị sẵn chỗ làm cho con sau khi ra trường rồi!”. Từ nhỏ đến lớn, chuyện gì thằng Kiên cũng nghe em, mỗi chuyện này là nó khăng khăng không chịu. Cứ thế, hai mẹ con giằng co mãi. Kêu con về hoài không được, em nổi nóng, tuyên bố theo kiểu đổ dầu vào lửa: “Con mà không theo ý mẹ thì khỏi về luôn”. Rồi em quay sang vặc cả anh: “Anh không mở miệng khuyên con một tiếng nào là sao?”. Anh trả lời thật lòng: “Anh thấy con đúng. Em nên để nó được quyền chọn con đường cho mình”. Kết quả, em mắng luôn cả anh là “không biết suy nghĩ!”. Anh chán quá, chẳng lẽ thằng Kiên bỏ về ngoại, còn anh bỏ về nội? Trong chuyện này, anh thông cảm và ủng hộ con. Bởi hơn ai hết, anh chính là nạn nhân, là người thấu hiểu nỗi khổ khi phải sống chung, thậm chí chính xác là sống “dưới” sự áp đặt của người khác. Không thể phủ nhận em là một người vợ tốt, chịu thương chịu khó, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Khuyết điểm duy nhất của em là lúc nào cũng muốn mọi thứ theo ý mình, luôn áp đặt cách nghĩ của mình cho mọi thành viên khác trong nhà… Nói ra thì sợ người khác cười, chứ thật tình bao năm qua, vì em mà chưa bao giờ anh được sống đúng với bản thân mình. Vốn là người có tính nghệ sĩ, quen sống lãng tử, bụi bặm, nhưng từ ngày lấy em, anh phải uốn mình thành một người hoàn toàn khác. Anh thích mặc quần jeans, thích áo thun thoải mái, thích để tóc dài, thích để râu. Nhưng sống với em, đừng hòng có mấy chuyện đó. Ra khỏi nhà - dù chỉ để giải quyết vài việc vặt, anh phải mặc quần tây, áo sơ mi phẳng phiu, râu tóc gọn gàng, nước hoa thơm phức. Có lần, anh gặp lại thằng bạn thân ngày xưa, nó tròn mắt nhìn anh rồi hỏi: “Phải mày không vậy?”. Trước khi lấy em, anh làm việc theo kiểu tự do, khi thì viết lách cái này cái kia, lúc lại nhận trang trí nhà cửa, lúc lại chế tác đồ mỹ nghệ đem bán… Công việc tuy không giàu nhưng cũng đủ sống, được cái là vô cùng tự do. Rồi khi lấy nhau một thời gian, em đột nhiên xin cho anh một việc công sở. Thu nhập cũng vậy, nhưng theo nguyên văn lời em thì: “Làm việc này trông anh đàng hoàng hơn”. Lúc đó, anh ức lắm, chẳng lẽ trước giờ anh “không đàng hoàng”? Rồi hai vợ chồng cứ cãi nhau suốt, kết quả là để giữ hòa khí, anh phải uốn mình theo ý em. Mấy năm trời, sáng anh xách cặp đi, chiều xách cặp về. Làm việc không đúng sở thích, lại không quen cái kiểu làm việc “đoán ý sếp mà làm”, anh khổ không kể xiết. Đời cha đã khổ, đến đời con cũng vậy. Thằng Kiên lớn lên trong sự áp đặt của mẹ. Thằng nhỏ thích chơi với bạn A, em bắt phải chơi với bạn B. Thằng nhỏ thích học võ, em lại cho nó đi học đàn. Đến cả sự nghiệp tương lai, nó cũng chẳng có quyền chọn lựa… Anh biết, những ý kiến áp đặt của em cũng chẳng sai, cũng xuất phát từ sự lo lắng cho chồng, cho con. Nhưng có bao giờ em chịu hiểu, sự đau khổ lớn nhất chính là người ta không được sống thật với tính cách của mình. 18 năm, anh sống như một cây “bon-sai” tùy em uốn nắn, anh khổ đủ rồi. Anh muốn con trai phải khác anh, dẫu con đường nó đi có gập ghềnh hơn, trắc trở hơn, nhưng ít nhất nó cũng phải được là chính mình. Em hãy thử đặt mình ở vị trí của anh và của con để hiểu cha con anh đã khổ như thế nào vì sự áp đặt của em…
Theo Nguyễn Trung (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm