An Giang: Hòa giải xong rồi... bỏ!

Đó là trường hợp “tréo ngoe” của anh em nhà ông T. (ngụ ấp Long Thị D, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu, An Giang) là đồng nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp di sản thừa kế.

Tòa bác hòa giải thành

Các nguyên đơn cho biết cha mẹ họ có cả thảy 10 người con. Khi còn sống, cha mẹ họ có giao 12.000 m2 đất cho hai người con là ông G. (3.500 m2) và ông N. (8.500 m2) tạm đứng tên quản lý. Tuy không lập di chúc nhưng cha mẹ họ có căn dặn “Sau khi cha mẹ mất, trừ 2.000 m2 đất chia cho ông G. và ông N. (mỗi người 1.000 m2), 10.000 m2 còn lại chia đều cho 10 anh em”. Tính ra, ông G. và N. được 2.000 m2/người, tám người con còn lại được 1.000 m2/người.

Tuy nhiên, ông N. đã không chịu phân chia đất cho anh em. Đầu năm 2007, vì không thể thương lượng được, các anh em ông T. đã nộp đơn ra TAND huyện Phú Tân để tranh chấp thừa kế.

Tại biên bản hòa giải do TAND huyện Phú Tân lập ngày 6-6-2007, ông N. đã đồng ý chia phần đất mà ông đứng tên cho các anh chị em. Với sự ưng thuận này, cứ tưởng TAND huyện Phú Tân sẽ ra quyết định hòa giải thành giữa các đương sự nhưng không hiểu sao tòa này lại ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Đến ngày xét xử (13-9-2007), TAND huyện Phú Tân lại cho ông N. đính chính vào phần cuối biên bản hòa giải đã kết thúc trước đó ba tháng. Nội dung là ông N. xin điều chỉnh lại việc đồng ý chia đất đã nêu trên.

Bản án sơ thẩm ngày 13-9-2007 đã xử bác yêu cầu của các nguyên đơn trong việc đòi ông N. chia thừa kế đất. Đồng thời, TAND huyện Phú Tân còn ghi nhận sự tự nguyện của ông G. (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chấp thuận chia đất cho các anh em. Không đồng tình ở phần của ông N., các nguyên đơn đã kháng cáo.

Lỗi nhỏ hay lớn?

Ngày 27-12-2007, TAND tỉnh An Giang đưa vụ án ra xử phúc thẩm. Tòa này nhận định: Ông N. đã được cấp “giấy đỏ” vào tháng 3-1994, lúc ấy cha mẹ ông vẫn còn sống và họ đã không có ý kiến phản đối hay để lại bút tích xác nhận nghĩa vụ của ông N. (và ông G.) phải chia đất cho các anh em. Thành thử, việc tòa sơ thẩm xác định 10.000 m2 đất mà hai ông đang sử dụng không phải là di sản thừa kế nên các nguyên đơn không có quyền hưởng thừa kế là có căn cứ.

Về việc ông N. đã đồng ý chia đất cho anh em trong quá trình hòa giải ở cấp sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang cho rằng phía ông N. trước giờ chưa bao giờ đồng ý chia đất. Mọi chuyện phát sinh chỉ vì tòa sơ thẩm... viết nhầm và ông N. đã có ý kiến đính chính vào ngày 13-9-2007 (!). Lẽ ra phải lập biên bản ghi nhận việc đính chính, thay đổi ý kiến của đương sự theo đúng quy định thì tòa sơ thẩm lại đưa biên bản hòa giải cho đương sự tự ghi lại ý kiến. Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm chỉ cần rút kinh nghiệm vì việc này không làm thay đổi nội dung vụ án.

Một thẩm phán TAND tối cao nhận định trong vụ án này, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự. Theo Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự, sau phiên hòa giải, nếu các đương sự đã thỏa thuận được và sau bảy ngày không ai thay đổi ý kiến thì thẩm phán giải quyết vụ án phải ra quyết định hòa giải thành. Thế mà tòa sơ thẩm lại thay quyết định hòa giải thành bằng quyết định đưa vụ án ra xét xử. Sau vi phạm thứ nhất này, tòa lại “chữa cháy” bằng cách cho đương sự đính chính nội dung thỏa thuận ngay trong ngày mở phiên xử (quá hạn bảy ngày) để xem như là việc hòa giải bất thành. Phải chăng tòa làm như thế để “hợp thức hóa” việc đưa vụ án ra xét xử?

Một phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM cũng không đồng tình với cách xử lý của TAND tỉnh An Giang. Vì sao tòa sơ thẩm làm trái thủ tục tố tụng nghiêm trọng mà tòa phúc thẩm chỉ rút kinh nghiệm? Đúng ra tòa phúc thẩm phải hủy bản án sơ thẩm để buộc tòa sơ thẩm xử lại từ đầu. Ngoài ra, cũng không thể cho rằng cách làm của tòa sơ thẩm không hề làm ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Trên thực tế, ông N. đã đồng ý chia đất, còn bản án thì không buộc ông phải thực hiện nghĩa vụ này.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm