À Ra Thế rất đời thường nhưng không dễ

Hàng ngàn bạn đọc vui khi tiếp cận sân chơi À Ra Thế. Nhiều bạn đọc như gặp lại “cố nhân” và cũng có hàng trăm bạn trẻ tình cờ biết sân chơi này rồi hào hứng tham gia.

Bạn trẻ hào hứng tham gia

“Em hay đọc báo Pháp Luật TP.HCM trên mạng để bổ sung kiến thức luật. Gần đây em theo dõi và tham gia À Ra Thế. Câu hỏi nào biết thì em tham gia trả lời trực tiếp trên mạng, câu nào em không chắc chắn thì em tìm hiểu thêm” - Đặng Tuấn Thảo Uyên, cô sinh viên luật đang thực tập tại VKSND Cấp cao tại TP.HCM, chia sẻ.

Với đề thi sinh viên ở trọ phải đăng ký tạm trú, bạn Uyên lúng túng là người chủ hay sinh viên bị phạt. “Không phải đề nào em cũng trả lời được và khi có đáp án, mình có thêm kiến thức. Đây là sân chơi hay, em giới thiệu cho bạn bè tham gia” - Uyên nói.

Làm tại bộ phận văn thư VKSND Cấp cao tại TP.HCM, bạn Nguyễn Thị Thanh Thùy nhận định: Đề không khó lắm, chỉ cần đọc luật, đọc kỹ đề là trả lời được. Đề rất hay, gần gũi với đại đa số giới trẻ. Chẳng hạn vụ hai học sinh 15 và 17 tuổi yêu nhau rồi quan hệ tình dục. Tình huống này buộc người tham gia phải tìm hiểu về độ tuổi trẻ em, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với tội giao cấu, hiếp dâm, cưỡng dâm… vì không phải ai cũng biết quan hệ với trẻ em dưới 16 tuổi là bị phạt tù. Nhiều bạn trẻ trong cơ quan và bạn bè tôi rất hào hứng với mục À Ra Thế” - Thùy nói.

Ban tổ chức bàn thảo trước khi công bố danh sách bạn đọc trúng thưởng. Ảnh: NGÂN NGA

À Ra Thế thành bài tập của sinh viên

Bạn đọc Chu Ngọc Hải, công tác ở Ủy ban MTTQ xã Phú Tân, huyện Định Quán (Đồng Nai), tâm sự: “Chúng tôi là những người sống ở vùng nông thôn nhưng là bạn đọc thường xuyên của báo. À Ra Thế giúp chúng tôi tìm hiểu những quy định của pháp luật trong đời sống, hiểu rõ hơn về những điều luật quy định. Câu hỏi của chương trình rất đời thường nhưng hóc búa thành câu chuyện để anh em trong cơ quan bàn luận sôi nổi trong những buổi sáng ngồi uống cà phê…

Còn bạn đọc ký tên Hưng Nguyễn ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Bạn viết: “Tôi sinh năm 1950 và đang tập sử dụng máy vi tính. Khi đọc trên mạng thấy có câu hỏi “Đi bên phải cũng phải bật đèn xi nhan?”, tôi tham gia trả lời với hai mục đích: Xem hiểu biết về pháp luật giao thông của mình còn tốt không và xem mình viết, gửi thư điện tử có được không, có đến được nơi nhận không…”.

Bạn Hoàng Thanh Trúc, Trường Trung cấp Mai Linh (3 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM), cười cho hay: “Cha em ngày nào cũng mua báo Pháp Luật TP.HCM, em đọc ké, thấy đề thi gần gũi vì nhà trước đây có cho thuê phòng trọ, chương trình học có môn pháp luật nên rủ các bạn trong lớp cùng dự thi cho vui”. Rốt cuộc, có hàng chục bạn ở trường nay tham gia và có bạn rinh giải… khuyến khích.

Lọt vào danh sách tám bạn đọc trúng giải, bạn Văn Công Hậu, sinh viên ĐH Vinh (Cơ sở CĐ Đường sắt TP.HCM - lớp luật, VB2), cười tươi cho biết: Trong các tiết học, giảng viên nêu các tình huống trên báo Pháp Luật TP.HCM để làm bài tập. Giảng viên cũng lấy đề thi À Ra Thế cho sinh viên bàn thảo. Sẵn dịp, các bạn trong lớp tham gia sân chơi này luôn…

Qua bốn đợt thi với cả chục ngàn lượt thư, email và trả lời trực tiếp trên Pháp Luật TP.HCM điện tử, cho thấy sức hấp dẫn của sân chơi đầy trí tuệ này và nó như điều khích lệ với báo.

Ban tổ chức cám ơn sự tham gia nhiệt tình của các bạn và đang gấp rút tổng kết để sớm công bố kết quả của đợt 4.

Ông NGUYỄN THANH SƠN, Phó Viện trưởng  VKS Cấp cao tại TP.HCM:

Thi À Ra Thế là điều thử thách chính mình

À Ra Thế rất đời thường nhưng không dễ ảnh 2
 
Tôi theo dõi À Ra Thế từ nhiều năm trước và đây là mục tôi rất thích. Đề À Ra Thế nhắm đến đa số người dân nhưng từng làm nhiều đồng nghiệp ngồi công tố của tôi bị… out vì khá lắt léo và khi bàn thảo sâu cũng vỡ ra nhiều vấn đề. Tôi nghĩ đây là cách tuyên truyền luật pháp rất hiệu quả, người tham gia không chỉ có giải mà còn thử thách chính mình.

Có nhiều vấn đề thực tiễn đụng đến hàng triệu người dân nhưng chưa chắc họ đã nắm. Ví dụ xử lý người tham gia giao thông có những trường hợp định khung là không có giấy phép lái xe theo quy định. Nhưng những người bị mất, chưa làm lại hoặc bị thu giữ giấy phép lái xe thì có được xem là không có hay không? Nhiều người đã thi sát hạch và được cấp giấy đã qua đào tạo, đang chờ cấp bằng có được xem là có bằng lái? Hoặc có những trường hợp người dân chạy xe công nông ở ruộng, đụng chết người. Vậy ở ruộng có phải là đường bộ không, trường hợp này xử lý ra sao? Những tình huống đời thường nhưng không dễ trả lời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm