1-1-2013: 10 luật mới có hiệu lực

Từ ngày 1-1-2013, có 10 luật và nhiều văn bản quy phạm pháp luật sẽ có hiệu lực thi hành. Gồm có: Luật Quảng cáo, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam, Luật Giá, Luật Công đoàn, Luật Giám định tư pháp, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số nội dung quan trọng trong các luật này.

Luật Biển: Khẳng định chủ quyền quốc gia

Ngày 21-6-2012, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Luật quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và khẳng định rõ quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Theo đó, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, mọi chủ thể không được đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; gây ô nhiễm môi trường; cướp biển và các hoạt động trái phép khác. Việt Nam có quyền thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải để bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc an toàn hàng hải…

1-1-2013: 10 luật mới có hiệu lực ảnh 1

Theo luật quảng cáo, các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không được quảng cáo dưới mọi hình thức. Ảnh: HTD

Khai thác tài guyên nước phải nộp tiền

Luật Tài nguyên nước cũng được thông qua ngày 21-6-2012 quy định tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước để phát điện có mục đích thương mại; phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô lớn phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Số tiền được quy định căn cứ vào chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác và mục đích sử dụng nước.

Cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ

Nghiêm cấm mọi hoạt động quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi là một trong nhiều nội dung của Luật Quảng cáo. Luật cũng không cho phép quảng cáo đối với rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; thuốc lá; thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực…

Đăng ký giá hàng hóa thuộc diện bình ổn giá

Đây là một trong các biện pháp bình ổn giá được quy định tại Luật Giá. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá (như xăng, dầu thành phẩm; điện; sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; thóc, gạo tẻ thường và thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…) trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN

Theo Luật Phòng, chống rửa tiền, các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan (như kinh doanh trò chơi có thưởng, casino; sàn giao dịch bất động sản; tổ chức hành nghề luật sư…) phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn. Mức giá trị của giao dịch phải báo cáo sẽ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các tổ chức và cá nhân phải báo cáo NHNN khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền.

Ngân hàng phải tham gia bảo hiểm tiền gửi

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, ngoại trừ các ngân hàng chính sách, tất cả tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm tiền tiền gửi. Tiền gửi được bảo hiểm phải bằng đồng Việt Nam và không thuộc sở hữu của các cá nhân là thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc người nắm giữ trên 5% vốn điều lệ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó.

Tăng lương tối thiểu vùng thêm tối đa 350.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 103 ngày 4-12-2012 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2013, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động được tăng thêm từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng. Cụ thể: vùng I là 2.350.000 đồng/tháng; vùng II là 2.100.000 đồng/tháng; vùng III là 1.800.000 tháng; vùng IV là 1.650.000 đồng/tháng (quy định cũ lần lượt là 2.000.000, 1.780.000, 1.550.000, 1.400.000 đồng/tháng).

Tập trung thờ cúng: Phải đăng ký

Theo Nghị định 92 ngày 8-11-2012, công dân có nhu cầu tập trung để thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo thì phải gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt đến UBND cấp xã để được xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày.

Trẻ sinh tại nhà vẫn được cấp giấy chứng sinh

Theo Thông tư 17 ngày 24-10-2012 của Bộ Y tế, trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc nơi khác thì người thân của trẻ có trách nhiệm điền vào mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh (GCS) và nộp cho trạm y tế xã, phường để được cấp GCS cho trẻ. Trường hợp cấp lại do nhầm lẫn khi ghi chép GCS (hoặc mất, rách, nát), bố mẹ của trẻ phải làm đơn đề nghị cấp lại GCS kèm theo giấy tờ chứng minh sự nhầm lẫn, gửi cơ sở cấp GCS lần đầu để được cấp lại.

ĐẶNG LIÊN giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm