“Xén” tiền đồng nghiệp

Từ năm 2003 đến năm 2006, bảy cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP Pleiku, Gia Lai) đã vay tiền tại chi nhánh của hai ngân hàng ở địa phương theo dạng tín chấp. Hàng tháng, mọi người trả nợ dưới hình thức trừ lương để Bùi Thị Yến (thủ quỹ ban quản lý) mang đến nộp cho ngân hàng.

Lạm dụng tín nhiệm...

Được đồng nghiệp tin tưởng nhưng sau khi trừ lương của mọi người, Yến chỉ nộp cho ngân hàng một phần, số còn lại thì bỏ túi. Với thủ đoạn trên, Yến đã lấy của bảy đồng nghiệp tổng cộng gần 68 triệu đồng. Do Yến không trả tiền cho ngân hàng nên đến tháng 1-2007, số tiền nợ gốc và lãi phát sinh tại hai ngân hàng là gần 80 triệu đồng.

Sau khi Yến bị khởi tố về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi điều tra, công an còn phát hiện từ tháng 8 đến tháng 9-2006, Yến có nhận của bà Mai Thị Ngọc Thỏa - một đồng nghiệp khác cùng cơ quan 60 triệu đồng để đặt cọc mua đất giùm. Không mua được đất, Yến cũng không trả lại tiền cho bà Thỏa mà lẳng lặng “ẵm” luôn.

Trong vụ án này, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (phần trả nợ ngân hàng của các đồng nghiệp) của Yến đã rõ. Tuy nhiên, vấn đề 60 triệu đồng mà Yến nhận của bà Thỏa đã gây ra tranh cãi và bất đồng nặng nề giữa VKS và tòa rằng Yến có phạm thêm tội lừa đảo hay không.

Thêm tội lừa đảo?

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, Yến khai rành rọt: Tháng 6-2006, muốn mua một lô đất làm nhà nên Yến đã đến gặp ông Võ Trầm ở 14 Trần Quốc Toản (TP Pleiku). Nghe ông Trầm bảo có đất ở khu vực vành đai xã Diên Phú, bán với giá 15 triệu đồng/m ngang, tổng cộng là 300 triệu đồng và đòi đặt cọc trước 100 triệu đồng, Yến về rủ bà Thỏa chung tiền mua mỗi người 10 m ngang. Tháng 8-2006, Yến nhờ Nguyễn Thị Quế Hoa đến gặp bà Thỏa, mạo nhận là “chủ đất, tên Lê Thị Hoa” để nhận 50 triệu đồng tiền cọc. Gần một tháng sau, Yến cùng chủ đất giả mạo này lại đến gặp bà Thỏa nhận tiếp 10 triệu đồng tiền đặt cọc.

Tổng cộng Yến đã lấy 60 triệu đồng tiền đặt cọc mua đất của bà Thỏa nhưng Yến vẫn cam kết rằng việc mua đất là có thật. Yến có đến gặp ông Trầm để giao tiền đặt cọc nhưng ông Trầm nói do thời gian quá lâu nên đã bán đất cho người khác. Không mua được đất nênYến chưa kịp trả tiền cho bà Thỏa.

Từ tình tiết này, đại diện VKS giữ quyền công tố cho rằng bị cáo không có ý định lừa đảo từ trước mà chỉ giữ lại tiền sau khi việc mua đất không thành. Đây là quan hệ dân sự, chưa đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trái lại, tòa liên tục xoáy vào các nội dung như ông Trầm là nhân vật không có thật như Yến đã khai; Yến còn giới thiệu chủ đất giả Nguyễn Thị Quế Hoa hai lần đến ký nhận tiền đặt cọc của bà Thỏa với tên là Lê Thị Hoa. Như vậy, ý đồ lừa đảo để lấy tiền của Yến đã thể hiện rõ.

Chính vì quan điểm của công tố viên và tòa trái ngược nhau như trên nên cuối cùng tòa đã buộc phải hoãn xử để điều tra bổ sung về việc bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin đến bạn đọc khi vụ án được đưa ra xử lại.

Dấu hiệu của tội lừa đảo

Bản chất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phải bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối là thủ đoạn cố ý đưa ra thông tin sai sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật. Về khách quan, đó là thông tin giả; về chủ quan, người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng mong muốn người khác tin đó là sự thật...

(Theo Bình luận khoa học BLHS của Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, NXB Chính trị quốc gia năm 2003)

LÊ VĂN NHUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm