Thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự: Thiếu quy đinh cụ thể

Số trước, chúng tôi đã giới thiệu nhiều bất nhất trong quá trình thực thi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS) mà hội thảo của TAND tối cao phối hợp với Cơ quan hợp tác của Nhật Bản tổ chức tại TP Cà Mau trong hai ngày 19 và 20-2 đã chỉ ra. Số này, chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số vướng mắc nổi bật khác hiện chưa được BLTTHS quy định cụ thể.

Nạn nhân “trốn”, tòa bó tay?

Một trường hợp thường xuyên gặp làm các tòa hiện đang rất đau đầu là chuyện nạn nhân cố tình vắng mặt tại phiên xử khiến tòa phải hoãn xử nhiều lần. Với trường hợp này, BLTTHS chỉ quy định chung chung là tùy trường hợp mà tòa quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn xét xử. Một số đại biểu băn khoăn: Nếu nạn nhân vắng mặt, tòa cứ xử thì có ảnh hưởng gì không đến sự thật bản án?

Có người nói nếu chuyện nạn nhân vắng mặt chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì tòa sẽ tách riêng ra giải quyết bằng vụ án dân sự và tiếp tục xử. Còn trường hợp cần thiết phải có nạn nhân để khai báo, đối chất với bị cáo nhằm làm sáng tỏ vụ án thì phải hoãn phiên tòa và yêu cầu VKS điều tra bổ sung.

Một đại biểu khác thắc mắc: Nếu VKS không điều tra bổ sung được thì sao? Trên thực tế có những trường hợp nạn nhân “lặn mất tăm” vì một lý do nào đó như có thể bị gia đình bị cáo đe dọa, mua chuộc..., chẳng lẽ tòa đành bó tay?

Thẩm phán Lâm Phước Nghĩa (TAND tỉnh An Giang) hiến kế: “Tôi nghĩ nên có một quy định dẫn giải nạn nhân trong trường hợp này”. Ông Nghĩa lập luận: Người làm chứng không có quyền lợi gì (trừ chi phí đi lại), thậm chí có khi còn gặp nguy hiểm đến tính mạng nhưng luật vẫn quy định họ sẽ bị dẫn giải nếu không đến dự phiên tòa thì tại sao lại không dẫn giải nạn nhân - người vốn có quyền lợi thiết thân trong vụ án?

Khó triệu tập nạn nhân nước ngoài

Một bất cập nữa mà hội thảo chỉ ra là trường hợp vụ án có nạn nhân là người nước ngoài, khi triệu tập họ không thể đến tham gia tố tụng thì sao? Trường hợp khác: Nếu phải triệu tập họ thông qua con đường ngoại giao nhưng hiện lại chưa có hướng dẫn về mặt thủ tục thì các tòa biết đường nào làm?

Thẩm phán Vương Văn Nghĩa (TAND TP.HCM) cho biết: “Tòa chúng tôi phải giải quyết khá nhiều án hình sự có nạn nhân là người nước ngoài nhưng để triệu tập họ thì vô cùng khó khăn bởi đa phần đều là khách du lịch đến rồi đi trong thời gian rất ngắn”. Ông kể, có lần TAND TP.HCM xét xử một vụ vô cùng đơn giản: Một trẻ vị thành niên lầm tưởng ổ bánh mì của một du khách nước ngoài là tài sản có giá trị nên cướp giựt. Chẳng lẽ chỉ vì ổ bánh mì mà phải triệu tập du khách đó, rồi triệu tập không được lại phải thông qua đường ngoại giao nữa hay sao?

Một đại biểu nói có cách “gỡ” vấn đề này, bởi theo hướng dẫn của TAND tối cao, nếu cần triệu tập nạn nhân nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài thì tòa án gửi văn bản yêu cầu đến VKSND tối cao để cơ quan này làm thủ tục đề nghị tương trợ tư pháp, từ đó triệu tập nạn nhân. Tuy nhiên, các đại biểu khác lại cho rằng cách đó không phải là giải pháp hiệu quả bởi hiện nhiều nước vẫn chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với chúng ta.

Vật chứng vô chủ: Vừa xử lý vừa lo!

Một tình huống khác mà ngành tòa án thường gặp cũng được nêu lên: Vật chứng là tài sản không xác định được chủ sở hữu, thuộc trường hợp không được tịch thu sung công thì xử lý sao? Chẳng hạn trong một vụ cướp giật, công an thu được một sợi dây chuyền vàng nhưng lại không tìm ra nạn nhân.

Các đại biểu đều thừa nhận tòa rất lúng túng trước vật chứng vô chủ và mỗi nơi có một cách giải quyết khác nhau. Có người nói gặp trường hợp này, tòa làm thủ tục thông báo tìm kiếm chủ sở hữu, nếu tìm được thì tuyên trả lại, còn không thì tịch thu sung công. Người khác cẩn thận hơn lại bảo lỡ sung công rồi mà chủ sở hữu mới biết và khiếu nại thì sao? Theo ông, Điều 239 Bộ luật Dân sự quy định vật bị coi là vô chủ nếu sau một năm đối với động sản, sau năm năm đối với bất động sản kể từ ngày được thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu. Từ đó, ông đề xuất: Nếu vật chứng vô chủ chuyển sang tòa, tòa phải thông báo, sau đó xét xử và tuyên giao cho một cơ quan chức năng nào đó cất giữ. Trong thời hạn theo Điều 239 Bộ luật Dân sự mà chủ sở hữu đến nhận thì trả lại, hết thời hạn không ai nhận thì sung công.

Thẩm phán Lê Thị Thu Hà (TAND tỉnh Trà Vinh) lại nhận xét làm như trên là quá rối! Bà Hà cho biết hiện tòa án các cấp ở Trà Vinh có một cách khác là thông báo, không có người nhận thì tuyên tịch thu sung công, sau này nếu có người nhận thì trả lại bằng đúng giá trị khi bán vật chứng sung công.

Cuối cùng, hội thảo vẫn chưa thống nhất được làm thế nào ổn nhất bởi xử lý theo cách nào cũng có khả năng bị chủ sở hữu tài sản khiếu nại nên “cứ vừa làm mà vừa lo”. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn cụ thể...

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm