Nhận tiền, ‘hứa ảo’ đưa đi Nhật làm việc

Ngày 7-7, hàng chục học viên đã đóng tiền, nộp bằng cấp gốc… phản ứng gay gắt với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Việt Nhật Vinh Ron (28/1/21 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM). Các học viên yêu cầu công ty này hoàn lại tiền họ đã đóng trước đó để được đi sang Nhật hợp tác lao động.

Trước đó, gần 100 lao động đến từ các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp… sau khi được Công ty Việt Nhật Vinh Ron cam kết đưa đi nước ngoài lao động, đã đóng cho công ty mỗi người 1.500-3.000 USD. Họ được cam kết trong vòng sáu tháng học tiếng Nhật, học nghềmà công ty không xin được visa nhập cảnh vào Nhật thì sẽ hoàn lại tiền. Đến nay đã lố thời hạn cam kết. Học viên chưa nhận được visa nên yêu cầu công ty trả lại tiền và bằng cấp nhưng không được đáp ứng.

Cách đây vài ngày, một nhóm lao động bày tỏ lo lắng với PV. Anh H. (Bến Tre) cho biết thông qua người quen, anh H. đếnCông ty Việt Nhật Vinh Ron (vào khoảng tháng 10-2014) để nghe tư vấn đi Nhật làm việc. “Tại đây tôigặp một người nước ngoài, được giới thiệu là giám đốc công ty. Họ nói ông này người Nhật, tên Wada Hideta. Ông ấy hỏi thăm một vài thông tin và hướng dẫn tôi làm hồ sơ có toàn bộ bằng cấp gốc. Sau đó tôi đã nộp bằng ĐH, bằng CĐ và hai chứng chỉ nghề (đều là bản gốc) và đóng 1.500 USD” - anh H. nói.

Hai biên lai thu tiền người lao động của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư phát triển Việt Nhật Vinh Ron đưa ra hai cam kết khác nhau. Ảnh: NLĐ cung cấp.

Công ty này đã tổ chức dạy tiếng Nhật hơn sáu tháng. Song công ty này không đề cập gì đến việc cấp visa đi Nhật như cam kết. Do vậy, anh H. yêu cầu ông Wada trả lại các bằng cấp thì được hẹn lại. Ông Wada lưu ý khi trả lại bằng cấp thì anh H. phải đóng thêm 1.000 USD mới được phỏng vấn. Còn không, nếu rút hồ sơ thì mất 1.500 USD đã đóng trước đó”.

Tương tự, chị N. (Tây Ninh) cho hay chị được tư vấn tại trụ sở công ty trên. Chị N. cũng nộp bằng (gốc) tốt nghiệp THPT và đóng 1.500 USD. Công ty Vinh Ron có cam kết sau thời gian học tiếng Nhật và nghề (trong vòng sáu tháng), nếu người lao động không có được visa nhập cảnh vào Nhật thì công ty sẽ hoàn lại tiền. Sau thời gian dài chờ, chị N. không thấy visa nên muốn rút hồ sơ. “Công ty nói tôi đóng thêm 1.000 USD mới cho phỏng vấn. Tôi vay mượn và tháng 4-2015 đã đóng khoản này và chờ” - chị N. kể.

Tuy nhiên, chị N., anh H. và nhiều người khác chờ đợi trong bất an. Họ chỉ được học tiếng Nhật, không được học nghề nên đòi lại tiền (người thì 1.500 USD, người thì 2.500 USD) và bằng cấp nhưng chưa đòi được.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Đoan Phương, Phó Giám đốc Việt Nhật Vinh Ron, không trả lời cụ thể mà nói PV để lại số điện thoại và sẽ làm việc sau. Khi PV hỏi công ty không có chức năng xuất khẩu lao động sao vẫn tư vấn, thu tiền của người lao động thì bà Phương nói: “Nếu công ty tôi không có chức năng thì dựa vào công ty khác. Ngoài ra, công ty tôi không thu tiền mà ông Nhật thu. Ông này cũng thu bằng cấp gốc để làm hồ sơ”.

Trước các biên nhận thu tiền do bà Phương ký tên, đóng dấu thì bà này chống chế rằng do công ty hợp tác với phía bên Nhật nên sẽ xin ý kiến “sếp” người Nhật mới trả lời. Bà Phương né tránh trả lời các câu hỏi về chức năng giấy phép xuất khẩu lao động, việc thu tiền trái quy định, trả lại bằng cấp gốc..., còn nói: “Tôi làm nghề này đã gặp nhiều người đến công ty quậy nhưng họ cũng thua thôi”.

Liên hệ với “bác” Wada

Ngày 7-7, hàng chục học viên đã có buổi trao đổi gay gắt với bà Nguyễn Thị Đoan Phương, Phó Giám đốc Việt Nhật Vinh Ron. Nguyên do bà này đã ký tên, nhận tiền bằng cấp (gốc) của họ.

Nhiều học viên yêu cầu hoàn lại tiền, giấy tờ thì bà Phương giải thích lòng vòng rồi hứa: “Sẽ liên hệ với “bác” Wada mới trả lời được”. Các học viên yêu cầu xác định thời gian cụ thể thì bà Phương nói: “Tiền bạc chỉ một phần, còn tình cảm mới lớn hơn”.

Nhiều người hỏi dồn, nếu “bác” Wada không trả lại tiền thì sao? Bà Phương lại nói: “Yên tâm, chị sẽ có cách” (?!).

Không có chức năng xuất khẩu lao động

Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Việt Nhật Vinh Ron chưa được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động. Công ty này không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng tuyển người rồi kết nối với các công ty khác để đưa người lao động đi làm việc ngoài nước là trái pháp luật.

Người lao động đã nộp tiền thì đến công ty này yêu cầu trả lại. Nếu không được thì nên báo công an giải quyết. Tương tự, việc người Nhật đứng ra nhận tiền, thu bằng gốc của người lao động thì công an xử lý người Nhật.

Ông TỐNG HẢI NAM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm