Đừng trở thành “mồi” của kẻ cướp

Dù sự việc xảy ra cuối năm 2010 nhưng khi nhớ lại, vợ chồng chị Kiều Thị H. (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) vẫn còn cảm giác ớn lạnh. Hai vợ chồng chị vào TPHCM lập nghiệp hơn 10 năm trời, gom góp, dành dụm được 800 triệu đồng để mua nhà. Nhưng chẳng may, đúng ngày vợ chồng chị đem tiền để sang tên hợp đồng công chứng căn nhà thì bị cướp. Dù cũng sợ khi phải mang một lượng tiền mặt lớn đi trên đường nhưng phía chủ nhà không quen giao dịch qua ngân hàng, nên vợ chồng chị H. đành chiều theo.

Sau khi đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm, chị H. cẩn thận chia 800 triệu đồng ra nhiều phần, rồi gói kỹ và cất trong cốp xe. Trên đường đi, vợ chồng chị không hề biết rằng mình bị theo dõi. Khi cho xe rẽ vào KCN Tân Bình, vợ chồng chị bất ngờ bị bốn thanh niên đi trên hai xe Nouvo ép vào lề đường. Chúng rút dao dí vào mặt chị H. và yêu cầu chị lấy giỏ sách trong cốp xe ra. Không thể chống cự, chị H. đành làm theo lời chúng. Sau khi giật phăng giỏ xách, chúng biến mất trong làn xe cộ đông đúc, trong khi vợ chồng chị H. vẫn chưa kịp hoàn hồn. “Cũng may nhờ tính cẩn thận, chị H. chỉ mất 1/4 số tiền mua đất. Tuy nhiên, vợ chồng chị không còn đủ tiền để mua nhà, lại phải ở trọ chờ thêm một thời gian nữa” - chị H. buồn bã trần tình.

Đừng trở thành “mồi” của kẻ cướp ảnh 1

Băng nhóm Indonesia gây ra nhiều vụ “bắn đinh” xe chuyển tiền đi ra từ các ngân hàng, từng gây nên nỗi kinh hoàng ở TPHCM và Hà Nội

Mới đây, Công an quận 4 bắt được một băng cướp chuyên dàn cảnh va quẹt xe để lấy tiền của người đi đường. Trước đó, anh Nguyễn P.H (ngụ quận Thủ Đức), làm nghề buôn bán dụng cụ inox đã đến Công an quận Thủ Đức trình bày việc bị mất 20 triệu đồng. Anh H. kể: “Từ hướng chợ Thủ Đức, tôi đi về hướng quận 5 để mua hàng. Khi đến ngã tư Kha Vạn Cân - Quốc lộ 13 thì có một xe phía sau ép vào đầu xe tôi. Sau đó, chúng giả vờ bị đau khiến tôi chú ý. Nhưng khi chúng rồ ga bỏ chạy, tôi kịp định thần thì phát hiện 20 triệu đồng trong túi quần đã “không cánh mà bay”. Đã có rất nhiều trường hợp đến CAQ4 trình báo việc bị mất tiền với cùng một thủ đoạn như anh H. Tại ngã tư Đoàn Văn Bơ - Hoàng Việt, quận 4 , anh V.V.N cũng bị mất 60 triệu đồng vì cùng một chiêu thức này. Tuy nhiên, trong lúc các đối tượng chia nhau số tiền trộm được tại một quán cà phê ở quận 7 thì bị lực lượng trinh sát CAQ4 ập vào, bắt giữ. Sau đó, 8 đối tượng trong băng nhóm lần lượt sa lưới.

Chúng khai đã sử dụng xe gắn máy để quan sát người đi đường, nếu phát hiện ai mang theo nhiều tiền để ở túi quần hoặc giỏ xách sẽ dàn cảnh va quẹt xe với mục đích trộm tiền. Trong thời gian tháng 7 và tháng 8-2011, chúng đã thực hiện trót lọt gần chục vụ trộm tiền, số tiền dao động từ 20 đến 200 triệu đồng. Sau khi nghe tin Công an quận 4 triệt phá được băng nhóm này, ông Nguyễn Văn M. (ngụ quận Thủ Đức) đã đến trình báo việc bị mất 47 triệu đồng tiền của hợp tác xã cũng với thủ đoạn tương tự.

Một trong những giao dịch tiền mặt số lượng nhiều nhất hiện nay phải kể đến lĩnh vực mua bán nhà đất hay các nhà đầu tư vàng vật chất. Anh T. - một giám đốc công ty môi giới nhà đất tại quận 2 - cho biết có đến 95% số khách hàng cá nhân chọn phương thức đặt cọc mua nhà đất bằng tiền mặt (từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng). Do vậy, thực tế là có rất nhiều rủi ro vì địa điểm giao dịch có thể là tại căn nhà mua bán, quán cà phê hay một nơi khác. Nhiều khi, giữa hai bên mua bán còn phải kiểm tra số tiền lớn giữa chốn đông người là không an toàn. Dù thường khuyên khách nên mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng nhưng nhiều người không chịu vì không có thời gian, lại ngại thủ tục rắc rối. Trong khi đó, bọn cướp thường lảng vảng ở các khu dự án, nhà đất đang bán để theo dõi “con mồi”. Anh T. chia sẻ: không ít trường hợp khách hàng trên đường đi đặt cọc mua nhà đất đã bị bọn chúng chặn xe cướp trắng trợn. Đã có một khách hàng nữ của anh suýt bị mất 1,2 tỷ đồng, nếu không phát hiện kịp thời có ba thanh niên bám sát phía sau và tìm cách nhờ người giúp đỡ.

Để tránh làm mồi cho bọn cướp, ý thức chính vẫn là từ những người dân, cần phải thận trọng khi đi giao dịch ở các ngân hàng và một số địa điểm khác với số lượng tiền lớn. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn nhất hiện nay là ý thức phòng chống tội phạm của người dân, người đi đường khi chứng kiến các vụ cướp còn quá kém. Có nhiều vụ người dân chẳng đả động gì đến việc tham gia bắt cướp mà còn chúi đầu vào việc hôi của của nạn nhân.

  
Theo HOÀNG MỸ (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm