‘Cướp’ tôm ngay trong ao

Gần đây chính quyền địa phương nhận được trình báo của người dân ở các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) về việc người thu mua tôm thừa lúc chủ vuông tôm không để ý để gian lận. Tuy nhiên, nhiều người trong số này không kịp phát hiện, đành ngậm ngùi mất hàng trăm ký tôm.

Đánh người, cướp tôm

Cuối tháng 11-2015, trong lúc ông H. (xã Vĩnh Hậu A) bán tôm thì phát hiện những người kéo tôm dưới ao gian lận.

Số là ông H. thỏa thuận bán tôm sú và người mua đưa khoảng 30 người cùng đưa lưới, dụng cụ đến kéo tôm trong ao. Trong lúc kéo tôm, một nhóm người trên bờ yêu cầu chuyển bớt rổ nhựa (đựng tôm) chưa sử dụng dưới ao lên và họ nhanh tay “trộn” các rổ đầy tôm vào các rổ không để đưa lên bờ. Việc gian lận này được dân trong nghề gọi là “nhận rổ”.

Khi phát hiện việc “nhận rổ”, ông H. không cho chuyển số rổ tôm (chưa cân) ra ngoài. Tuy vậy, ông H. bị những người này đánh rồi gom số tôm đã cân (300 kg) cũng như số tôm từ việc “nhận rổ” và bỏ đi.

Một số người dân xung quanh hay tin chạy đến đã kịp giữ một xe ô tô bán tải  và vài người trên xe, gồm cả người kéo tôm, người ghi sổ và người coi việc cân tôm. Sự việc được trình báo cho cơ quan chức năng và công an huyện vào cuộc. Sau đó phía bên mua tôm cử đại diện đến thương lượng “bồi thường” bằng cách nâng giá mua tôm từ 275.000 đồng/kg thành 285.000 đồng/kg.

Thả một tấn, kéo còn phân nửa

Gia đình ông D. (xã Vĩnh Hậu, Hòa Bình) mếu máo kể với PV đã bị một nhóm thu mua tôm gian lận, chiếm đoạt hơn 600 kg tôm sú. Theo ông D., trước khi bán tôm ba ngày, ông sang số tôm trên từ một ao nhỏ sang ao lớn với ý định nuôi thêm vài ngày để tôm lớn hơn. Khi sang ao, ông và người nhà cân thì xác định số lượng tôm trên được hơn một tấn.

Nhưng khi sang ao mới được ba ngày thì tôm có dấu hiệu không tốt nên ông kêu bán tôm. Thương lái cử lực lượng đông đúc đến kéo lưới đổ vào rổ. Người mua lợi dụng đám đông để đánh lạc hướng và cứ ba rổ đưa đi cân thì “đá” một rổ chưa cân sang phía đã cân rồi (gọi là “đá rổ”). Cứ thế, đến khi tôm trong ao của ông D. đã hết nhưng tổng cộng chỉ có 400 kg.

Hiện trường ao tôm của ông H. có thương lái gian lận bị phát hiện thì giật tôm bỏ chạy. Ảnh: MINH NGỌC

Nhiều người mua tôm bắt đầu việc gian lận “đá” hay “nhận” từ các rổ nhựa đựng tôm thế này. Ảnh: MINH NGỌC

Lúc này ông D. tá hỏa nhưng người mua đã rút đi gần hết, mang theo cả dụng cụ hành nghề. Ước tính số tôm ông D. mất gần 600 kg, tức thiệt hại gần 130 triệu đồng. Tuy nhiên, do không đủ bằng chứng nên ông D. và gia đình chỉ biết kêu trời.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nhiều trường hợp khác ở xã Vĩnh Hậu (bà U.), xã Vĩnh Hậu A (ông C.)… cũng bị gian lận nên trình báo công an. Trong số này, nhiều trường hợp phát hiện chậm, người mua đã mang các “chiến lợi phẩm” đi hết nên không có bằng chứng xử lý. Chỉ vài người kịp phát hiện, làm dữ thì người mua đến thương lượng, hòa giải còn không thì đành ấm ức.

Cảnh giác với các mánh lới

Một chủ vựa tôm cho hay nhiều nhóm đi thu mua tôm mang theo xe tải lớn, xe tải nhỏ để chở dụng cụ, tôm và hàng chục người. Nếu người bán không có kinh nghiệm thì rất dễ bị bên mua “ra chiêu” cân gian.

Đại úy Ngô Văn Hoàng, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Hòa Bình, cho biết có ba cách thức mà các đối tượng này thường sử dụng khi mua tôm với người dân.

Đầu tiên họ “đá cựa gà”. Những người này sử dụng một chốt như cựa gà chèn vào chiếc cân 20 kg và lúc này dù có bỏ lên vô số tôm thì cái cân chỉ đến 13 kg là dừng. Kế đến là “đá rổ”. Để dùng chiêu này, thương lái cử lực lượng từ 20 đến 30 người đến kéo tôm nhằm lợi dụng lúc kéo tôm gây xào xáo để người bán mất cảnh giác rồi “đá rổ”.

Thủ đoạn thứ ba là “nhận rổ”. Theo đó, trước khi về, người mua đem những chiếc rổ dùng đựng tôm xuống ao rửa rồi lợi dụng chồng lên những chiếc chứa tôm được giấu dưới ao. Sau đó họ tỉnh bơ mang những chồng rổ lên bờ và đem đi nhưng chủ tôm không hay biết.

Tuy vậy, Đại úy Hoàng nói rằng việc điều tra, xử lý các hành vi gian lận gặp nhiều khó khăn. “Người chủ mua tôm không có mặt tại ao mà giao việc thu mua cho những người kéo tôm. Khi thủ đoạn gian lận bị bóc mẽ thì chủ vuông tôm không biết chính xác số lượng bị mất, còn người kéo tôm gian lận bỏ trốn hết nên không xác định được đối tượng. Chúng tôi mời đến, chủ thu mua phủ nhận liên quan đến hành vi gian lận và sẽ thương lượng với bên bán mức đền bù số tôm bị thất thoát để hòa giải” - Đại úy Hoàng nói.

Trộm hay cướp?

Cướp tài sản là tội phạm, được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự. Đó là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để tấn công người có tài sản và chiếm đoạt tài sản.

Còn trộm cắp tài sản là hành vi được quy định ở Điều 138 Bộ luật Hình sự. Một trong các biểu hiện của tội này là hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Như vậy, để xem xét hành vi của những người mua tôm phải xem xét dấu hiệu tội phạm. Nếu hành vi này là lén lút thì đó là trộm (thêm việc định lượng giá trị tài sản trộm). Nhưng hành vi ban đầu là lén lút, khi bị chủ tài sản phát hiện thì bị những người này đánh lại và lấy tôm chạy đi thì tội phạm chuyển hóa thành cướp.

Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Nếu đã có dấu hiệu của tội phạm thì việc thỏa thuận (giữa chủ vuông tôm và người mua) là trái luật. Nói cách khác, một khi đã có dấu hiệu tội phạm mà thỏa thuận hòa giải thì thỏa thuận đó trái luật, cần phải được xử lý hình sự, nếu không là bỏ lọt tội phạm.

Luật sư TẠ NGUYỆT THANH, Trưởng Văn phòng
luật sư hợp danh Tạ Nguyệt Thanh, TP Bạc Liêu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm