Con dao hai lưỡi!

Cách đây không lâu, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh một vụ tranh chấp mua bán nhà tại quận Bình Thạnh (TP.HCM). Hai bên có hợp đồng mua bán hẳn hoi. Hợp đồng còn cho phép họ có quyền đổi ý và bị chế tài tương ứng. Sau đó, bên bán ngưng không bán nữa. Tranh chấp, vụ việc được chuyển qua tòa.

Án kéo dài lê thê vì kháng nghị

Quá trình xét xử, các cấp tòa có những quan điểm khác biệt. Một quan điểm cho rằng bên bán phải tiếp tục hợp đồng để bảo vệ quyền lợi cho bên mua. Quan điểm khác thì cho rằng theo hợp đồng, các bên có quyền đổi ý và tòa phải tôn trọng thỏa thuận đó.

Vì lấn cấn này mà vụ án phải qua hai lần xử phúc thẩm, hai lần bị kháng nghị giám đốc thẩm rồi hai lần cấp giám đốc thẩm, hủy án, yêu cầu xử sơ thẩm lại. Tòa cứ xử đi xử lại như thế suốt... 14 năm! Hiện vụ án quay trở lại từ đầu khiến các đương sự ngao ngán. Họ than thở, chỉ một tranh chấp đơn giản, án phải kéo dài ngoài sức tưởng tượng, gây biết bao khó khăn, tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc của cả họ lẫn các cấp tòa.

Tương tự, vụ tranh chấp giữa bà T. ở quận 7 (TP.HCM) và ông S. cũng kéo dài hơn 14 năm, đến giờ vẫn chưa kết thúc. Nguyên đầu những năm 1990, bà T. mua một căn nhà ở TP.HCM. Không có hộ khẩu TP, bà phải nhờ ông S. đứng tên trên giấy tờ nhà giùm. Sau đó, ông S. vi phạm pháp luật, bị khởi tố. Cơ quan tố tụng cho rằng đây là nhà của ông nên đã kê biên để đảm bảo thi hành án.

Bà T. khởi kiện, yêu cầu được trả lại nhà. Xử sơ thẩm lần đầu, TAND TP tuyên trả nhà cho bà. Xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại cho rằng căn nhà trên thuộc quyền sở hữu của ông S. Sau đó, bản án phúc thẩm bị kháng nghị. Xử giám đốc thẩm, TAND tối cao nhận định cả hai cấp sơ, phúc thẩm đều có thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ nên hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Tháng 9-2006, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP.HCM tiếp tục công nhận bà T. là chủ sở hữu căn nhà. Tuy nhiên mới đây, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM lại... hủy án sơ thẩm.

Không ai chịu ai...

Vụ khác, tại Đồng Nai, bà N. khởi kiện yêu cầu ông C. trả lại đất cho bà vì bà có giấy chứng nhận của Ty Điền địa tỉnh Biên Hòa cấp cho từ năm 1970. Trái lại, ông C. thì khăng khăng rằng đã “mua” đất từ năm 1983 và sử dụng ổn định, không hề có tranh chấp đến nay.

Xử sơ thẩm lần đầu, TAND TP Biên Hòa tuyên chấp nhận yêu cầu của bà N., buộc ông C. phải trả đất vì phía bà N. có giấy chứng nhận của chế độ cũ chứng minh phần đất đó thuộc quyền sử dụng của mình. Ngay sau đó, VKSND TP Biên Hòa đã kháng nghị, cho rằng tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào tờ giấy chứng nhận trên mà tuyên bà N. “thắng” là chưa đúng.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai kết luận tòa sơ thẩm đã giải quyết đúng. Lần này đến lượt VKSND tỉnh không đồng ý và gửi công văn đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Cuối năm 2005, VKSND tối cao quyết định kháng nghị vì cho rằng cách xử lý của hai tòa sơ, phúc thẩm còn thiếu sót, gây thiệt hại cho ông C. Ngay sau đó, Tòa dân sự TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm theo hướng mà VKSND tối cao đã kháng nghị...

Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên lập trường là trả lại đất cho bà N. Được biết, bên ông C. cũng đã làm văn bản xin xem xét kháng nghị giám đốc thẩm một lần nữa. Theo một nguồn tin, VKSND tỉnh Đồng Nai cũng đang tiếp tục đề nghị VKSND tối cao kháng nghị với nội dung cũ.

... Rối thi hành án!

Không chỉ làm quá trình giải quyết bị kéo dài, trong nhiều vụ án, việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm còn khiến cơ quan thi hành án và đương sự rối tung rối mù như vụ tranh chấp căn nhà 36 Nguyễn Thị Diệu (TP.HCM).

Đây là tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao và ông Lê Hồng Phương. Bản án phúc thẩm lần đầu ngày 20-5-2005 buộc bà Tao phải bồi thường cho ông Phương 3.611 lượng vàng. Bà Tao không trả nên tháng 5-2006, Thi hành án dân sự TP.HCM đã phát mại căn nhà 36 Nguyễn Thị Diệu để thi hành án. Sau đó, một người dân trúng đấu giá, đã nộp đủ tiền và hoàn tất thủ tục sang tên sở hữu nhà.

Bất ngờ tháng 7-2007, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm vụ tranh chấp giữa bà Tao với ông Phương, giao hồ sơ cho Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử lại. Năm tháng sau, xử phúc thẩm lại, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM buộc bà Tao phải bồi thường ông Phương 2.096 lượng vàng nhưng không đề cập gì đến ngôi nhà trên.

Từ đó, cả bà Tao lẫn người mua nhà đấu giá đều đề nghị giao nhà cho mình khiến Thi hành án dân sự TP không biết phải làm sao, đành “cầu cứu” Cục Thi hành án dân sự và đề nghị hội đồng xét xử giải thích bản án phúc thẩm lần hai nhưng không có kết quả. Hiện nay, hồ sơ vụ việc đang phải chuyển lên lãnh đạo Bộ Tư pháp, TAND tối cao, VKSND tối cao để phối hợp tìm hướng tháo gỡ.

Trước đây, Thi hành án quận 10 (TP.HCM) cũng phải đau đầu vì một vụ thi hành xong xuôi rồi thì bản án bị kháng nghị. Nguyên năm 1999, TAND TP.HCM xử phúc thẩm buộc vợ chồng ông T. trả nợ ngân hàng gần 700 triệu đồng. Vợ chồng ông T. không trả được nên cơ quan thi hành án kê biên, bán đấu giá căn nhà của họ. Người trúng đấu giá đã hoàn tất việc sang tên sở hữu và đăng bộ chủ quyền. Số tiền phát mại nhà cũng đã được chi trả cho chủ nợ.

Chuyện tưởng đã an bài bỗng “rối như canh hẹ” khi có kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao đề nghị hủy bản án phúc thẩm do tính toán sai về lãi suất quá hạn. Tháng 10-2002, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy án, giao hồ sơ cho TAND TP xử phúc thẩm. Chưa kịp xử, đầu năm 2004, ngân hàng rút yêu cầu khởi kiện đối với vợ chồng ông T. nên TAND TP đình chỉ vụ án.

Khi đình chỉ, TAND TP không hề đả động gì đến ngôi nhà và “số phận” người mua nhà hợp pháp qua đấu giá. Thế là cơ quan thi hành án không biết giao nhà cho ai. Giao cho người mua đấu giá không được mà trả cho vợ chồng ông T. cũng không xong....

HỒ KHẢI HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm