Cảnh giác với việc cướp bày trò để giật ĐTDĐ

Hết giờ làm việc buổi chiều, chị Trần Thị H., công tác tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương chạy xe máy về nhà. Khi vừa đến ngã tư Địa Chất (đường Lê Hồng Phong), chị chuẩn bị quẹo trái thì nghe tiếng chuông điện thoại di động rung. Nghĩ là cơ quan có công việc nên chị vội vàng rút máy trả lời.

Tuy nhiên, sau nhiều lần alô nhưng bên kia đầu dây vẫn yên lặng. Cùng lúc đó có một thanh niên đeo khẩu trang kín mặt, trên chiếc xe Wave với tốc độ rất nhanh ép sát và thò tay giật chiếc iphone của chị. Rất may cho chị H. là lúc đó chị nghe điện thoại bên tay trái và đi sát lề đường nên tên này chỉ chụp trúng tay mà không giật được.
Chiếc điện thoại bị rớt xuống, chị H. hô hoán, tên cướp giật rồ ga bỏ chạy. Về đến nhà, chị H. gọi lại cho số điện thoại đã điện cho chị lúc nãy. Đầu dây bên kia vẫn đổ chuông nhưng không ai trả lời. Chị dùng số điện thoại khác để điện vào số máy đó, vẫn có tiếng chuông nhưng không ai trả lời. Ngày hôm sau người nhà của chị tiếp tục điện thoại vào số máy đó nhưng không liên lạc được...!?
Không may mắn như H, chị T., cũng công tác tại một ngân hàng thương mại cổ phần đã bị giật mất chiếc iphone mới mua hơn 10 triệu đồng cũng với kịch bản tương tự. Được giao phụ trách bộ phận kế toán nên chị T. về trễ hơn so với mọi người trong đơn vị, khoảng hơn 18 giờ chị mới về nhà. Như thường lệ, chị đẩy xe ra về, vừa đi được khoảng hơn 500m thì nghe tiếng chuông điện thoại rung, chị T. giảm tốc độ và lấy điện thoại nghe.
Lần alô đầu tiên không có tiếng trả lời, chưa kịp alô lần thứ 2 thì từ phía sau có một cánh tay chồm lên giật phăng chiếc điện thoại của chị. Quá bất ngờ và sợ hãi chị T. chưa kịp hô hoán thì hai tên cướp giật đi chung một xe đã vượt đèn đỏ chạy mất hút. Địa điểm xảy ra cũng gần ngã tư Địa Chất.
Trên đây chỉ là 2 trường hợp điển hình của thủ đoạn cướp giật điện thoại của những tên cướp giật chuyên nghiệp. Đối tượng của bọn chúng là những phụ nữ đang làm việc tại các cơ quan có thu nhập khá như ngân hàng, bảo hiểm... vì hầu hết những người này đều sử dụng điện thoại “xịn”.
Trước khi ra tay, bọn chúng điều nghiên con mồi khá kỹ như hành trình đi về, biết được số điện thoại để chủ động chọn địa điểm và thời cơ ra tay.
Địa điểm mà bọn cướp giật thường chọn là gần ngay các ngã tư để chúng có nhiều hướng thoát thân sau khi ăn mồi kể cả vượt đèn đỏ để tránh sự truy cản.
Do vậy, để khỏi bị mất của và có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng (té, ngã) mọi người cần phải cảnh giác khi nghe điện thoại lúc đang lưu thông trên đường, tốt nhất là không nên nghe hoặc có nghe thì phải dừng xe và tấp vào lề.
Theo N.Q (Bình Dương Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm