Bán logo ‘xe vua’, thu 3 tỉ đồng/tháng

Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an (C45) vừa bắt giữ bảy người gồm Lê Thị Cẩm Vân, Mai Văn Thái Em, Nguyễn Mai Hữu Nhân, Huỳnh Tấn Thắng, Trần Trọng Nhân, Trần Quốc Thái và Nguyễn Văn Phúc (tất cả đều ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Đây là đường dây do Vân cầm đầu, chuyên bán logo “xe vua” nhằm giúp xe quá tải, quá khổ lưu thông trót lọt trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, C45 cũng đang truy bắt Trần Văn Thới (tự Út, ngụ huyện Bình Chánh), người cầm đầu một đường dây khác tương tự.

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục nhận được tố cáo của nhiều tài xế xe tải và người dân về tình trạng nhiều xe quá tải, quá khổ có dán một số loại logo lạ, dễ dàng lọt qua các chốt kiểm soát của lực lượng tuần tra giao thông. Đặc biệt xe có gắn logo của gara Thành Đô khi vi phạm giao thông luôn có người đứng ra bảo lãnh.

Nhận được thông tin trên, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, nhanh chóng chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ vào cuộc điều tra làm rõ. Sau quá trình theo dõi, các trinh sát phát hiện có hai đường dây bảo kê xe quá tải. Đường dây của Vân chuyên bán loại logo màu xanh, còn đường dây của Thới bán logo gara Thành Đô.

Hai đường dây này hoạt động từ đầu năm đến nay. Vân và Thới chỉ đạo đàn em tới gặp các chủ xe quá tải, quá khổ để mời chào mua các loại logo với lời quảng cáo “gắn vào xe sẽ không bị lực lượng tuần tra giao thông kiểm tra”. Trung bình mỗi tháng Vân và Thới bán được tổng cộng khoảng 1.000 logo với giá 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/logo, thu lợi bất chính gần 3 tỉ đồng.

Đàn em của Lê Thị Cẩm Vân tại cơ quan điều tra.

Các logo mà hai đường dây bán để tài xế xe tải gắn lên đầu xe. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Lê Thị Cẩm Vân.

Sau một thời gian theo dõi, ngày 26-8, các trinh sát C45 đã bắt quả tang Nguyễn Mai Hữu Nhân đang bán hai logo cho một chủ xe với giá 5 triệu đồng. Mở rộng điều tra, C45 lần lượt bắt giữ sáu người còn lại trong đường dây của Vân tại nhiều địa điểm khác nhau.

Theo lời khai ban đầu, hằng ngày Vân cho đàn em chạy xe trên nhiều tuyến đường để thăm dò các chốt CSGT, thanh tra giao thông. Sau đó, họ sẽ nhắn tin cho các tài xế đã mua logo để hướng dẫn xe né các chốt. Nếu các xe này bị lực lượng chức năng thổi phạt, đàn em của Vân sẽ ra mặt để xin bỏ qua. Đường dây của Thới cũng có cách thức hoạt động tương tự.

Tuy nhiên, nghi vấn đặt ra là hai đường dây này có sự “giúp sức” nào đó, bởi khó có khả năng họ di chuyển được khắp các tuyến đường ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để nắm bắt hết các chốt tuần tra. Hiện C45 vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM:

Có dấu hiệu của tội nhận hối lộ

Theo tôi, hành vi của nhóm người bị bắt có dấu hiệu của tội nhận hối lộ với vai trò đồng phạm với CSGT. Có thể lời khai ban đầu được công bố chưa đầy đủ thông tin nên chưa rõ tội danh. Nhưng một lẽ thông thường ai cũng hiểu là phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa họ và người có quyền lực. Bởi nếu bán logo đó dán lên xe mà không “qua mặt” được CSGT thì chắc chắn tài xế sẽ không truyền tai nhau mua. Nói cách khác, nhóm người này không thể tự mình trục lợi hàng tỉ đồng nếu không nhờ vai trò của CSGT.

Điều 279 BLHS quy định tội nhận hối lộ: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…

Nếu tách vai trò của CSGT ra hoặc không chứng minh được mối liên hệ giữa nhóm người này với CSGT thì theo tôi không thể điều tra vụ án vì lúc này hành vi của các bị can không có dấu hiệu của tội phạm nào cả.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự (ĐH Luật TP.HCM):

Cần xem xét nhiều yếu tố

Đến thời điểm hiện nay cơ quan điều tra chưa thu thập được chứng cứ chứng minh mối liên hệ giữa băng nhóm bán “logo xe vua” với các nhân vật cụ thể trong lực lượng CSGT… Do vậy việc xử lý đối với nhóm bán “logo xe vua” trên là rất khó vì chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Nếu chứng minh được mối liên hệ giữa nhóm này với một người có chức vụ cụ thể thì tùy trường hợp cụ thể, người có chức vụ sẽ bị xử lý về các tội nhận hối lộ (Điều 279 BLHS), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283 BLHS), tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291 BLHS)…

Trường hợp nhóm này lừa dối các tài xế (nói rằng đã “bảo kê” nhưng thực tế không làm gì cả) thì có thể xử lý nhóm này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Còn nếu nhóm này làm dịch vụ kiểu “bảo hiểm”, thu tiền rồi tìm cách chỉ dẫn xe tránh bị kiểm tra, nếu xe bị phạt thì nộp thay cho tài xế mà không có mối liên hệ gì với người có chức vụ, quyền hạn thì họ không phạm tội.

THANH TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm